Công tác cho vay hộ nghèo: Ưu tiên hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Bắt đầu từ tháng 7.2017, các hộ nghèo thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ là đối tượng mà Ngân hàng CSXH tập trung ưu tiên, theo Quyết định số 2085/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Ðình Sơn, Giám đốc Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Bình Ðịnh, về vấn đề này.
* Công tác cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
- Ngay từ đầu năm 2017, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã bám sát Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 55-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Nghị quyết số 09/NQ-HĐQT của HĐQT Ngân hàng CSXH để triển khai nhiệm vụ, trong đó có công tác cho vay hộ nghèo.
Tranh thủ nguồn vốn trung ương giao, Chi nhánh đã tham mưu HĐQT ngân hàng CSXH huyện, UBND xã trên địa bàn tỉnh phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho các huyện, xã, thôn và tập trung giải ngân cho vay theo kế hoạch. Chi nhánh cũng tập trung thực hiện huy động vốn từ tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn và tiền gửi tiết kiệm của dân cư để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Kết quả, đến 30.6.2017, tổng nguồn vốn của Chi nhánh là gần 2.972 tỉ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2016; doanh số cho vay gần 565,3 tỉ đồng, tăng gần 5,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo đạt gần 222 tỉ đồng, cho vay hộ cận nghèo gần 133,2 tỉ đồng, hộ mới thoát nghèo trên 58 tỉ đồng.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến ngày 30.6 là trên 2.967 tỉ đồng, với gần 113 ngàn hộ vay (tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo đạt gần 80 tỉ đồng (tăng 8,45% so với dư nợ đầu năm), cho vay hộ cận nghèo đạt gần 57 tỉ đồng (tăng gần 11%), hộ mới thoát nghèo đạt gần 52,45 tỉ đồng (tăng trên 68%).
Giải ngân cho vay hộ DTTS ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song việc triển khai tín dụng chính sách, trong đó có công tác cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Việc bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH để tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Chỉ thị 40-CT/TW còn thấp, thậm chí một số địa phương chưa chuyển vốn. Công tác huy động tiền gửi từ dân cư tại điểm giao dịch xã còn thấp so với kế hoạch; một số chương trình tín dụng không đạt kế hoạch, giảm dư nợ so với đầu năm.
Đáng lưu ý là những khó khăn, hạn chế của các chương trình cho vay đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS-MN), như chương trình cho vay theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn, như: Hợp đồng bảo vệ rừng là hợp đồng chung với nhiều hộ chứ không có hợp đồng trực tiếp với từng hộ nên không cho vay được. Một số hộ có đất rừng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất nên chưa cho vay được. Đối tượng vay vốn trồng rừng sản xuất không có thiết kế - dự toán trồng rừng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên không đủ điều kiện cho vay…
* Khó khăn trên sẽ bước đầu được tháo gỡ qua Quyết định số 2085/QĐ-TTg phê duyệt “Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS - MN giai đoạn 2017 - 2020”. Ông có thể cho biết, hộ nghèo ở vùng DTTS-MN sẽ được những ưu đãi nào theo chính sách này?
- Theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 7.7, hộ nghèo vùng DTTS-MN được vay tối đa 50 triệu đồng, với lãi suất giảm một nửa, thời hạn vay tăng gấp đôi. Cụ thể, các đối tượng tham gia chương trình là hộ đồng bào DTTS nghèo ở các thôn, bản, buôn, xã thuộc vùng DTTS-MN; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn; hộ đồng bào DTTS nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, có phương án sử dụng vốn vay để sản xuất kinh doanh.
Theo quy định, người vay vốn thuộc đối tượng trên có thể vay một hoặc nhiều lần nhưng tổng dư nợ cho vay không vượt quá mức cho vay áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo là 50 triệu đồng/hộ; lãi suất cho vay được tính bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ (hiện mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 6,6%/năm); lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Thời hạn cho vay tối đa là 10 năm và người vay được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính khi vay vốn.
* Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg như thế nào để đạt hiệu quả?
- Ngân hàng CSXH Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay phát triển KT-XH vùng DTTS-MN theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Việt Nam, những ngày qua Chi nhánh đã nỗ lực triển khai các công tác chuẩn bị. Theo đó, Chi nhánh đã đề nghị các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng phối hợp tuyên truyền đến người dân về chủ trương, chính sách của Chính phủ và những nội dung chủ yếu của Quyết định 2085… Đồng thời, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã có kế hoạch tổ chức tập huấn về công tác cho vay theo quyết định này đối với cán bộ, nhân viên phòng giao dịch ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)