Hoạt động giám sát của Mặt trận: Ðảm bảo quyền lợi, tạo sự đồng thuận trong nhân dân
Giám sát và phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam. Qua triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, MTTQ các cấp trong tỉnh đã kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó kiến nghị xử lý kịp thời, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.
Bà Lê Thị Thanh Thúy (bên trái), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Ngô Mây kiêm Trưởng Ban Thanh tra nhân dân và bà Phạm Thị Nguyên, Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố 12, phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) thường xuyên giám sát việc xây dựng công trình Lớp mẫu giáo kiêm khu sinh hoạt văn hóa khu phố 12.
Giám sát những vấn đề thiết thực với dân
Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn, kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát của MTTQ thành phố đã góp phần quan trọng củng cố và xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Từ những bức xúc trong dư luận, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã chọn ra những vấn đề có liên quan mật thiết đến người dân để tiến hành giám sát, tập trung vào nội dung việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và chính sách BHYT cho hộ nghèo tại các xã, phường.
“Giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Mặt trận. Ðây là một trong những nội dung đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát là góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh”
Ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
Trong năm 2016, Đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam thành phố đã giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND phường Hải Cảng và UBND phường Trần Phú, chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, xây dựng lấn chiếm lối đi chung, sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường… Qua giám sát, hầu hết các địa phương đã giải quyết các vụ việc theo đúng trình tự, thủ tục, đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, bất cập và kiến nghị các địa phương thực hiện tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Thông cho biết, cuối tháng 8.2017, MTTQ thành phố sẽ tiếp tục giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và chính sách BHYT cho hộ nghèo tại Bùi Thị Xuân và xã Phước Mỹ; giám sát việc thực hiện các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số cơ sở chế biến chả cá và sản xuất rượu trên địa bàn. Ngoài ra, cuối tháng 7 này, MTTQ thành phố sẽ tổ chức hội nghị phản biện về chủ trương, chính sách đền bù giải tỏa để di dời Cụm công nghiệp Quang Trung nhằm tạo sự đồng thuận, nhất quán trong nhân dân.
Bà Phạm Thị Tú Nga, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn), cho biết: Thời gian qua, ngoài việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, chính sách BHYT cho hộ nghèo, công tác đền bù giải tỏa xây dựng các dự án, việc thu phí quỹ ở khu phố… thì MTTQ phường còn phát huy tốt vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng để giám sát các công trình được triển khai xây dựng trên địa bàn phường, trong đó có nhiều công trình do nhà nước và nhân dân cùng làm như lát gạch vỉa hè, đổ bê tông các tuyến hẻm… qua đó hạn chế thất thoát, lãng phí và công trình khi hoàn thành đảm bảo chất lượng.
Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát nhiều nội dung liên quan đến phát triển KT-XH và đời sống của người dân, như: Việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh về cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; công tác chuyển giao, ứng dụng và thực hiện các đề tài, dự án KHCN; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016; công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện chế độ, chính sách cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật; việc khai thác cát gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát một số vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân ở địa phương như việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát của Mặt trận không chỉ làm việc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giám sát; tìm hiểu thông qua tài liệu, hồ sơ, báo cáo; mà tùy vào từng nội dung giám sát, đoàn đã có những phương thức phù hợp để thu thập, nắm bắt thông tin, làm rõ vấn đề, tiến hành khảo sát thực tế, trao đổi trực tiếp với người dân, những đối tượng liên quan… Nhờ đó, kết quả giám sát được khách quan, xác thực, đúng mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát”.
Theo ông Dũng, sau khi hoàn thành đợt giám sát, căn cứ kết quả báo cáo của Đoàn giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có văn bản kết luận đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách, nhiệm vụ của đối tượng được giám sát; đồng thời kiến nghị, đề xuất với Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền các cấp và các sở, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện các chế độ, chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan.
“Qua kết quả giám sát của Mặt trận, giúp cho lãnh đạo tỉnh, huyện, xã nắm bắt kịp thời những thiếu sót, bất cập, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương để có những chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn, đem lại quyền lợi chính đáng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân”, ông Hồ Sĩ Dũng khẳng định.
NGUYỄN PHÚC