Ước mơ đến với Ước mơ
Ngày 23.7, nhóm thiện nguyện Ước mơ (Quy Nhơn) - cộng tác viên của Nhịp cầu nhân ái báo Bình Ðịnh - đã đến thăm, trao quà cho những học sinh khuyết tật lớp học Ước mơ 2 tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát). Sau đây là cảm nhận của một người trong cuộc.
Các học sinh của lớp học xếp hàng theo trật tự.
Cả 2 lớp học Ước mơ 1 (khai giảng năm 2012 tại xã Cát Trinh) và Ước mơ 2 (khai giảng năm 2016 tại xã Cát Thành) được tài trợ chính bởi giáo sư người Nhật Michio Umegaki, giúp các em bị khuyết tật có cơ hội học tập, hòa nhập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội.
Sĩ số học sinh của cả hai lớp gồm 45 em, đều bị khuyết tật, down, xương thủy tinh, chậm phát triển trí tuệ. Các em được tới lớp, tới trường để được học đọc, viết, học tô màu, tập thể dục, ca hát, vui chơi. Ấn tượng của chúng tôi khi bước vào lớp học Ước mơ 2 là 25 học sinh ngồi ngay ngắn, trật tự, đặc biệt là màn “làm quen”. Lớp trưởng Nguyễn Duy Thanh cười rất tươi và giới thiệu: “Em 35 tuổi. Vì lớn nhất lớp nên được làm lớp trưởng”. Cô Nguyễn Thị Tường Văn, giáo viên tình nguyện viên của lớp học, cho biết Thanh vẫn chưa biết chữ, biết số nhưng làm việc nhà rất giỏi.
Các em nói rằng rất thích vẽ. Khi nhận được vở vẽ, màu tô, em nào cũng háo hức và tự tô màu cho bức vẽ của mình. Dẫu nhận biết màu sắc chưa rành, cầm bút còn khá khó khăn, nhưng em nào cũng cặm cụi và hào hứng. Các em còn hát tặng chúng tôi bài hát dù phát âm không rõ ràng. Vỗ tay theo nhịp bài hát, mắt chúng tôi rưng rưng.
Cha mẹ các em hầu hết làm nông, kinh tế khó khăn nhưng luôn cố gắng cho con đến lớp đều đặn. 8 giáo viên đứng lớp chưa từng qua lớp đào tạo dạy trẻ khuyết tật, nhưng với tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ, họ vẫn đều đặn đến lớp vào ngày cuối tuần. Nay, học sinh đã biết vệ sinh cá nhân, biết phụ giúp việc nhà, biết chào hỏi, thể hiện cảm xúc; thậm chí có em còn tự đi tới trường mà không bị lạc. Các em biết viết, biết làm toán, chữ cũng ngày càng đẹp hơn. Điều rất đỗi bình thường của những đứa trẻ bình thường lại là điều phi thường của những học sinh ở lớp học Ước mơ 2. Đây là động lực cho để giáo viên tiếp tục đến với các em. Những ngày đầu tới lớp, em Nguyễn Thị Thanh Tú không chịu nói chuyện, thích gì làm nấy, thích cầm đồ của bạn không chịu trả; giờ em đã “ngoan” nhiều: biết nghe lời thầy cô, biết chào hỏi, biết tô màu...
Trong phần quà chúng tôi mang đến cho các học sinh lớp Ước mơ 2 (trị giá gần 5,5 triệu đồng) có bánh kẹo, gấu bông và suất ăn cà ri - bánh mì. Nhận quà, các em tự xúc ăn, tự dọn dẹp và đổ rác theo trật tự. Tô màu, nhận quà, ăn trưa rồi ra sân chụp hình, các em xếp hàng từ tốn, bạn đi nhanh hơn đứng chờ các bạn đi đứng khó khăn, gọi nhau í ới “chụp hình, chụp hình”. “Dạy trẻ nhỏ bình thường mệt một, dạy học sinh đặc biệt ở đây mệt mười, thậm chí cả trăm lần, nhưng gắn bó với các cháu rồi thì yêu thương nhiều lắm”, là lời vợ chồng giáo viên tình nguyện, thầy Lê Hồng Phong và cô giáo Trần Thị Mỹ Quế.
Bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, những học sinh ở các lớp học Ước mơ rất cần sự hỗ trợ về tinh thần của cộng đồng xã hội vì lớp học ở thôn quê, học sinh ít có cơ hội tiếp cận với các hoạt động vui chơi. Mong rằng sẽ có thêm nhiều nhóm thiện nguyện đến thăm, mang nhiều niềm vui đến với những học sinh của lớp.
NGUYỄN HƯƠNG GIANG
(Trưởng nhóm thiện nguyện Ước mơ)