Chuyện chung quanh căn hộ chung cư
Vài năm gần đây, tại TP Quy Nhơn, chung cư đã được nhiều người lựa chọn, một phần vì mức giá phù hợp; phần nhờ việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số vướng mắc dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ, gây khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan và thị trường chung cư.
Chung cư Hoàng Anh Gia Lai tại TP Quy Nhơn.
Đủ chuyện lùm xùm
Không kể những chung cư cũ xuống cấp, Quy Nhơn hiện có 2 chung cư mới có quy mô lớn là chung cư Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và cao ốc Long Thịnh. Tuy số lượng chung cư ít nhưng vấn đề mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống tại đây cũng khá phức tạp.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2007, chung cư HAGL hiện đối mặt với đủ kiểu tranh chấp giữa chủ đầu tư là Chi nhánh Công ty CP HAGL - Nhà máy gỗ Hoàng Anh Quy Nhơn và cư dân sống trong chung cư. Những rắc rối chủ yếu xoay quanh việc phân chia quyền lợi, trách nhiệm đối với phần diện tích sở hữu chung; việc quản lý vận hành nhà chung cư; bàn giao quỹ bảo trì phần sở hữu chung và hồ sơ nhà chung cư từ chủ đầu tư sang ban quản trị (BQT).
Theo nội dung kiến nghị của BQT chung cư HAGL gửi đến các cơ quan chức năng, dù BQT đã thành lập từ năm 2014 nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho BQT. Về phí bảo trì, chủ đầu tư mới chỉ bàn giao đối với 156/295 căn hộ nhưng không kèm chứng từ cũng như tiền lãi tiết kiệm ngân hàng liên quan đến khoản thu này. Hiện vẫn còn 109 căn hộ chưa được bàn giao phí bảo trì, đặc biệt là 62 căn hộ vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm nộp phí bảo trì thuộc về chủ đầu tư hay chủ sở hữu căn hộ. BQT chung cư HAGL cho rằng, chung cư HAGL đã đưa vào sử dụng gần 10 năm, hạ tầng phần sử dụng chung bắt đầu xuống cấp. Việc chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì cho BQT là không tuân thủ các quy định của pháp luật và gây bức xúc trong cộng đồng nhà chung cư.
Một cán bộ hưu trí sống tại chung cư HAGL bức xúc: “Tôi mua nhà vào năm 2010. Lúc mua, Công ty HAGL không nói gì đến việc tôi phải đóng phí bảo trì. Theo luật, nếu trong hợp đồng không ghi ai nộp phí bảo trì thì khoản tiền này đã được tính vào tiền bán nhà mà người mua phải trả. Chủ đầu tư có trách nhiệm trích 2% tiền bán nhà đó để nộp phí bảo trì chung cư. Bây giờ, Công ty CP HAGL yêu cầu tôi phải đóng thêm 2% phí bảo trì là vô lý nên tôi không đồng ý”.
Việc quản lý vận hành chung cư và sử dụng phần diện tích chung cũng rất “nóng”. Ông Võ Thanh Hải, thành viên BQT chung cư HAGL, cho biết: “Bao nhiêu năm nay, chủ đầu tư báo lỗ kéo dài rồi đòi tăng giá dịch vụ nhưng không lý giải thuyết phục vì sao lỗ, lỗ ở khoản nào và tăng giá dịch vụ trên cơ sở nào. Chủ đầu tư không chịu ký thỏa thuận về quản lý vận hành với BQT nên BQT chưa kiểm soát được việc thu chi và chưa giám sát được việc quản lý vận hành chung cư của chủ đầu tư với nhiều khoản chi bất hợp lý. Một số hộ dân còn phản ánh, chủ đầu tư nói rằng bãi đậu xe đã hết chỗ nhưng thực tế lại dành cho người bên ngoài thuê với giá cao hơn quy định...”.
Cao ốc Long Thịnh mới đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay nhưng cũng đã bộc lộ một số phiền toái. Ông Nguyễn Hải Phương, Trưởng BQT cao ốc này, nhận xét: “Nhìn chung, việc quản lý vận hành chung cư của chủ đầu tư tốt nhưng vẫn còn vài thiếu sót nhỏ, có thể thông cảm do thiếu kinh nghiệm. Ví dụ như rác để 3-4 ngày mới thu dọn một lần, gây mùi hôi và mất vệ sinh. Một số căn hộ xảy ra tình trạng nứt tường, nứt vách và thấm dột...”.
Không dễ giải quyết nếu không đối thoại
Qua câu chuyện của chung cư HAGL, có thể thấy những vấn đề hiện nay không mới nhưng khó xử lý khi chủ đầu tư và khách hàng chưa có một cơ chế đối thoại hiệu quả. Nguyên nhân trước hết bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch trong quản lý của chủ đầu tư khiến khách hàng mất lòng tin. Một thành viên khác trong BQT chung cư HAGL cho rằng: Từ trước đến nay, Giám đốc chi nhánh Công ty CP HAGL chưa bao giờ xuất hiện tại bất kỳ cuộc họp nào với khách hàng hay BQT. Mọi việc được giao cho người không có thực quyền là Trưởng Ban quản lý chung cư, nhưng các ý kiến trả lời của ông trưởng ban này không giải quyết được những bức xúc của khách hàng mua nhà tại đây.
Đầu tháng 7.2017, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư phối hợp với BQT nhà chung cư HAGL tổ chức cuộc họp với 62 hộ dân để kiểm tra, rà soát hợp đồng mua bán căn hộ nhằm làm cơ sở xác định trách nhiệm nộp phí bảo trì của các bên. Nhưng xem ra, mọi sự vẫn như cũ.
Thành viên BQT nói trên cũng cho rằng, dù quy định pháp luật hiện nay đã rõ nhưng rắc rối vẫn nảy sinh do chủ đầu tư và khách hàng diễn giải pháp lý khác nhau về quản lý và sở hữu chung cư. Chế tài và khung pháp lý xử lý tranh chấp nhà chung cư chưa có, dẫn đến khó cưỡng chế thi hành đối với chủ đầu tư. Vấn đề càng khó khăn hơn khi TP Quy Nhơn không có đơn vị kinh doanh vận hành nhà chung cư chuyên nghiệp như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Với cao ốc Long Thịnh, ông Phương cho biết, Sở Xây dựng đã kiểm tra, nhắc nhở chủ đầu tư khắc phục vấn đề chất lượng xây dựng công trình, nhưng việc xử lý của chủ đầu tư hiện vẫn chưa triệt để.
TỐ UYÊN