Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Bình Ðịnh - năm 2017: “Sự trở lại” ấn tượng
Gián đoạn cả 10 năm, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh mới lại được tổ chức (20 - 21.7 tại TP Quy Nhơn). Là hoạt động văn hóa chính kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Liên hoan nhận sự hưởng ứng, tham gia tích cực của tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đơn ca Lê Quang (ca khúc “Linh thiêng Việt Nam”) của Vân Canh đoạt giải Nhất thể loại đơn ca.
Phục vụ và tô đậm cho chủ đề của Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Bình Định - năm 2017 (gọi tắt là Liên hoan) - “Hát về Tổ quốc tôi” - 11 địa phương tham gia đã mang đến những chương trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng và tuyên truyền, giáo dục. Điều này thể hiện rõ trong từng tiết mục hát, múa, trình diễn nhạc cụ dân tộc hay kịch (4 thể loại quy định tại Liên hoan).
“Hát về Tổ quốc tôi”
Tiết mục mở màn - tiết mục “đinh” của huyện Tây Sơn - tạo xúc động mạnh với điểm nhấn là ngợi ca người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Diễn viên quần chúng Tây Sơn cũng để lại thiện cảm về tinh thần biểu diễn hăng say, sự nhập vai và nét diễn biểu cảm. Nhất là lực lượng múa, làm việc với cường độ cao vì xuất hiện trong hầu hết tiết mục của chương trình. Tất cả là học sinh, chưa trải nghiệm sân khấu nhiều...
Được đánh giá cao, toàn diện cả về nội dung và hình thức là chương trình của TX An Nhơn (đơn vị giành giải Nhất toàn đoàn), trong đó xuất sắc nhất là Liên khúc dân ca Giai điệu quê hương (giải Nhất thể loại kịch, tiểu phẩm, hoạt cảnh dân ca). Chương trình này “ăn điểm” bởi sử dụng các làn điệu dân ca khu V và Bình Định (Ban tổ chức khuyến khích khai thác các loại hình nghệ thuật truyền thống), nội dung mang tính tuyên truyền, giáo dục cao và được chuyển tải mềm mại bằng những làn điệu dân ca mượt mà. Liên khúc dân ca Giai điệu quê hương đi vào lòng người xem thật nhẹ nhàng mà vang vọng mãi những cảm xúc, thông điệp đẹp.
Nhiều chương trình có chất lượng nghệ thuật cao
Có thể nói Liên hoan đã để lại dấu ấn sâu đậm, thành công về mặt nội dung. TX An Nhơn đồng đều trong các tiết mục, nổi trội trong nhiều thể loại (giải Nhì về múa, song ca/tam ca và tốp ca/hợp ca, giải Nhất về liên khúc dân ca). Trong khi đó, ngoài nội dung tốt, hình thức đẹp, điểm vượt trội của TP Quy Nhơn so với nhiều địa phương còn lại là cấu trúc chương trình mang tính liên hoàn, uyển chuyển.
Với TP Quy Nhơn, xuyên suốt 7 tiết mục, sân khấu hoàn toàn không tắt đèn chuyển cảnh, điểm kết thúc của tiết mục này đồng thời là phần mở đầu của tiết mục sau, hoặc chính những diễn viên ấy tiếp tục biểu diễn, hoặc tốp diễn viên sau ra tiếp quản sân khấu..., cứ thế chương trình của Quy Nhơn liền mạch và hiệu quả nghệ thuật cao. Quy Nhơn là đơn vị duy nhất diễn đến 7 tiết mục, tinh và đầy đặn.
Chỉ có 6 ngày chuẩn bị cho Liên hoan nhưng An Lão đã mang đến Liên hoan một chương trình đầy đặn, mang màu sắc riêng (trước đó huyện này định không tham gia). Cách tổ chức chương trình tuy hơi cứng nhắc, “tham” dẫn dắt, giới thiệu, tuyên truyền, tổng thể chương trình chưa tạo ấn tượng nhưng nội dung tiết mục chắt lọc, giản dị, xúc động. Đơn ca “Cúc ơi” kèm múa minh họa khá tinh tế; độc tấu sáo trúc “Cùng hành quân giữa mùa xuân” không chỉ hay ở tiếng sáo mà còn khá sáng tạo khi dàn dựng thêm múa minh họa - những chiến sĩ hành quân lạc quan - làm cho tiết mục thêm sinh động, chuyển tải tốt hơn tinh thần tiết mục...
Các diễn viên kịch nghiệp dư rất trẻ của huyện Vân Canh diễn xuất tốt, nhập vai và chuyển hóa cảm xúc đa dạng. Một điểm cộng cho Vân Canh là khá sáng tạo trong cấu trúc chương trình. Mở màn là lát cắt kịch (“Hy sinh một gia đình nhỏ cho gia đình lớn Việt Nam”): người vợ trẻ quyến luyến tiễn chồng đi làm nhiệm vụ giữ đảo với lời hẹn 3 năm sẽ đoàn tụ, làm nền cho sự xuất hiện của 2 tiết mục kế tiếp là song ca nam “Nơi đảo xa” và múa “Bám biển”. Tiểu phẩm trở lại, với cao trào là sự ra đi mãi mãi của người lính giữ đảo. Mạch cảm xúc bi hùng và thông điệp tri ân được tiếp nối, tô đậm bởi tiết mục rất hợp lý ngay sau đó - đơn ca “Linh thiêng Việt Nam”.
Tính liên hoàn - điểm rất đáng ghi nhận
Mặc dù quy định của Liên hoan là xây dựng chương trình liên hoàn theo chủ đề, song phần đông địa phương vẫn sa vào dẫn dắt, giới thiệu xen giữa các tiết mục, khiến sự kết nối chưa tốt, chưa liền mạch cảm xúc. Dù vậy, có thể nói, quy định vừa kể là điểm rất đáng ghi nhận của Liên hoan. Nó buộc các đơn vị nỗ lực nhiều hơn trong phong trào nghệ thuật quần chúng.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT Trương Đông Hải, Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan, bên cạnh mục đích tuyên truyền, Liên hoan lần này còn rất cần thiết bởi đó sẽ là cơ sở cho việc nhìn nhận, đánh giá về phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh. Hy vọng, qua Liên hoan, phong trào này sẽ được quan tâm, đầu tư, định hướng kịp thời để có bước phát triển mới đúng đắn, thật sự là văn nghệ quần chúng.
SAO LY
Cảm ơn tác giả đã có bài viết rất hay!