Chi trả chế độ trợ cấp người có công và trợ cấp xã hội: Nhiêu khê thủ tục ủy quyền
Chế độ trợ cấp đối với người có công và trợ cấp xã hội là chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta dành cho thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; gia đình neo đơn, nghèo khó, mất khả năng lao động… được xếp vào diện yếu thế trong xã hội.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện việc chi trả chế độ cho các đối tượng nói trên nảy sinh bất cập, gây khó khăn cho người được thụ hưởng. Đây cũng là vấn đề khá “nóng” tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp ở huyện Hoài Nhơn trong thời gian qua.
Ảnh: VĂN LƯU
Cụ thể, đối tượng thụ hưởng chính sách người có công hầu hết là những người già yếu, mất khả năng lao động, hạn chế năng lực hành vi dân sự... Do vậy, rất nhiều trường hợp không thể trực tiếp đến nhận chế độ tại các điểm chi trả theo hợp đồng dịch vụ mà phải ủy quyền để người thân nhận thay. Để làm được việc này, người già phải đến cơ quan chức năng (UBND cấp xã, thị trấn hoặc phòng tư pháp, công chứng) ký xác lập thủ tục ủy quyền; nhưng do quy định giấy ủy quyền chỉ có giá trị trong thời gian 3 tháng, nên cứ 3 tháng một lần, họ phải đi làm lại giấy ủy quyền rất mất công.
Tương tự, việc chi trả chế độ trợ cấp xã hội cũng đang nảy sinh vướng mắc, khó khăn. Nếu như trước đây, việc chi trả được thực hiện tại địa bàn thôn, khối phố thì nay lại chi trả theo cụm thôn, khối phố do Bưu điện có hợp đồng dịch vụ. Nếu đối tượng được thụ hưởng là người già hoặc người hạn chế năng lực hành vi dân sự thì việc đi lại nhận tiền hết sức khó khăn.
Được biết, tại Điều 42 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15.5.2013 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân quy định: “... Giấy ủy quyền có thời hạn 3 tháng đối với người có công hoặc thân nhân hiện đang cư trú trong nước và thời hạn 6 tháng đối với trường hợp đang cư trú ở nước ngoài...”.
Trong khi đó, Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại quy định: “Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”. Cũng cần phải nói thêm rằng, tại thời điểm ban hành Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH thì Bộ luật Dân sự năm 2005 đang có hiệu lực thi hành. Tại Điều 582 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rất rõ: “Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Qua tìm hiểu, lý do mà cơ quan thực hiện chính sách đưa ra quy định giới hạn 3 tháng đối với giấy ủy quyền là để phòng ngừa việc người được ủy quyền không trung thực, tiếp tục nhận tiền hỗ trợ sau khi người được hưởng chính sách đã chết. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, nên không thể dùng định chế pháp luật về ủy quyền để điều chỉnh hành vi. Mặt khác, việc ủy quyền để nhận tiền trợ cấp là nội dung rất đơn giản, thủ tục xác lập cũng rất dễ dàng được thực hiện tại chính quyền địa phương cấp cơ sở hoặc các phòng tư pháp, công chứng. Hơn nữa, đối tượng thụ hưởng chính sách này hầu hết đã lớn tuổi, già yếu, đi lại khó khăn, việc ủy quyền với thời hạn dài là cần thiết.
Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH là văn bản dưới luật nhưng trái với luật, do đó, cần phải được kiến nghị để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Riêng đối với chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội, cơ quan làm dịch vụ phải chi trả trực tiếp tại nhà cho đối tượng già yếu, hạn chế năng lực hành vi dân sự; nếu có ủy quyền thì thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận, cơ quan tham gia hợp đồng chi trả là Bưu điện căn cứ vào thời hạn đã nêu trong giấy ủy quyền để thực hiện cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21.10.2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
“Thủ tục hành chính quá nhiêu khê”
Vấn đề chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách, nhất là với người cao tuổi, còn nhiều bất cập. Ðịa điểm nơi chi trả trợ cấp có chỗ còn chật chội. Nhiều người cao tuổi (trên 80 tuổi) được nhận trợ cấp 270 ngàn đồng/tháng rất vui mừng vì được Nhà nước quan tâm, động viên, nhưng khi đi nhận tiền lại rất khó khăn. Thậm chí có người đi 2-3 lần mới nhận được vì những lý do như: đã hết tiền mặt chi trả tại thời điểm đó, hoặc quá đông người nhận lương hưu, trợ cấp...
Người không thể đi lại được phải ủy quyền cho con cháu đi nhận giúp thì lại vướng quy định giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền chỉ được UBND xã chứng thực khi người ủy quyền và người được ủy quyền có mặt ký xác nhận tại UBND xã. Ðã vậy, quy định thời hạn xác nhận lại giấy ủy quyền như hiện nay lại quá ngắn, gây phiền hà cho người được hưởng trợ cấp. Thủ tục hành chính quá nhiêu khê đã khiến cho chủ trương tốt đẹp và đầy ý nghĩa nhân văn gây khó khăn cho người được hưởng trợ cấp. Do đó, ngành Bưu điện cần có giải pháp cùng cơ quan chức năng cải cách các thủ tục gây khó khăn, phiền nhiễu cho người dân.
(Trích ý kiến của ông Nguyễn Giờ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại biểu HÐND tỉnh, đơn vị Hoài Nhơn tại phiên thảo luận tổ ngày 12.7.2017, kỳ họp thứ 4 HÐND tỉnh khóa XII)
HUỲNH HOA