Xây cơ sở vật chất hướng tới trường mầm non đạt chuẩn quốc gia: Những kinh nghiệm hay của Hoài Nhơn
Cơ sở vật chất vốn là một trong những rào cản lớn nhất của ngành học mầm non ở nhiều địa phương trong nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Vậy nhưng, ở Hoài Nhơn, rào cản ấy đã được tháo gỡ bằng những sáng kiến hay, đưa Hoài Nhơn trở thành địa phương đứng đầu toàn tỉnh về số lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Trong năm 2016, huyện Hoài Nhơn có 3 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
- Trong ảnh: Trường Mầm non Hoài Thanh Tây đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2016.
Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, các trường mầm non, mẫu giáo ở Hoài Nhơn từng là trường dân lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, trường lớp nhỏ hẹp, xuống cấp, một số trường có tới 12-13 điểm lẻ. Trước năm 2009, toàn huyện chỉ có 4/19 trường có điểm trường tập trung và có bếp ăn bán trú. Số còn lại chưa có điểm chính, điểm lẻ nằm rải rác khắp các xóm, thôn. Khi tiến hành xây trường chuẩn, thiếu sự kiểm tra trước và kế hoạch dài hạn, mọi việc chủ yếu do các trường tự lo nên quá trình thực hiện nảy sinh nhiều bất cập.
Rà soát, quy hoạch bài bản
Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: Đầu tiên là phải rà soát lại tất cả các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện, rồi xây dựng kế hoạch tổng thể theo hướng dẫn quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020 của Sở GD&ĐT. Sau khi rà soát, Phòng GD&ĐT huyện đã phân loại các trường để tham mưu đề xuất lên kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Đối chiếu với quy định về trường chuẩn, Phòng sắp xếp theo thứ tự phù hợp để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các trường thiếu phòng học và thiếu diện tích đất phải đưa vào kế hoạch dài hạn.
Hoàng Phạm (thực hiện)
Trên cơ sở dữ liệu đã có, ngành GD&ĐT làm việc với các địa phương để quy hoạch đất nhằm giảm điểm trường lẻ, lựa chọn điểm trường chính phù hợp với từng địa bàn và đảm bảo diện tích đất xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
“Làm việc với địa phương về quỹ đất đòi hỏi quyết tâm cao và đeo bám đến cùng. Trường nào thiếu mặt bằng phải làm việc với UBND xã và huyện để quy hoạch, giải phóng mặt bằng, có thể hoán đổi các điểm trường giữa mầm non, mẫu giáo, tiểu học. Trường chưa có điểm trường chính thì xin địa phương địa điểm xây điểm chính, thường đặt tại trung tâm xã, diện tích khuôn viên đảm bảo theo chuẩn. Trường thiếu nhiều phòng học thì tham mưu với các xã, thị trấn, ban ngành của huyện, UBND huyện để xin chủ trương đầu tư xây dựng phòng học. Còn trường có đủ phòng học nhưng chưa có đủ các phòng chức năng thì do Bộ GD&ĐT và các cấp có thẩm quyền chưa có dự án thực hiện xây dựng khu hiệu bộ nên Phòng hướng dẫn các trường ngăn phòng làm phòng chức năng”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Thị Hoài Anh trao đổi.
Xoay trở từ nhiều nguồn lực
Có đất, có quy hoạch, việc đầu tư xây dựng đòi hỏi phải có nguồn kinh phí thỏa đáng. Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện sắp xếp đầu tư ưu tiên xây dựng các trường đối với các xã đảm bảo đúng quy trình, đảm bảo nguồn kinh phí, đồng thời tham mưu để xin kinh phí từ nhiều nguồn của tỉnh, huyện.
“Chẳng hạn Trường Mầm non Hoài Châu Bắc từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chi nhánh Phòng tránh thiên tai miền Trung và nguồn kinh phí tài trợ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Trường Mẫu giáo Hoài Thanh Tây kinh phí đầu tư từ Đề án Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đa số trường được xây từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện và xã đối ứng”, bà Nguyễn Thị Hoài Anh cho biết.
Tính đến nay, Phòng GD&ÐT huyện Hoài Nhơn đã có 13/23 trường mầm non, mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường đạt chuẩn mức độ 2 và 21 trường tổ chức dạy bán trú.
Nhờ việc quy hoạch lại và xây dựng điểm trường chính, tỉ lệ huy động trẻ tăng và tỉ lệ học bán trú tăng; tổng số trẻ ra lớp gần 9.700 cháu; trong đó, trẻ nhà trẻ 795 cháu (10,4%), trẻ mẫu giáo 8.889 cháu (85,1%); riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi 3.442 cháu (99,97 %).
Năm 2015, Phòng GD&ĐT huyện tham mưu, đề xuất HĐND và UBND huyện về cơ chế hỗ trợ các trường mầm non, mẫu giáo trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khi các trường được chuyển đổi sang công lập. Sau đó, HĐND huyện đã ra Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐND ngày 16.7.2015 phê chuẩn cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa lớn công trình trường mầm non, mẫu giáo thuộc ngành học mầm non.
“Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phải mang tính công khai, minh bạch, công bằng khách quan, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm kinh phí, đảm bảo nguyên tắc tài chính, đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng tiến độ, tạo điều kiện cơ sở vật chất các trường ngày càng khang trang, xanh - sạch- đẹp. Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị tối thiểu để phục vụ cho việc dạy và học trong nhà trường theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT và hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, bà Nguyễn Thị Hoài Anh khẳng định.
"Nhiều năm qua, huyện Hoài Nhơn quan tâm đầu tư xây dựng các trường mầm non, mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ. Bên cạnh sự nỗ lực rất nhiều của các phòng, ban, chính quyền địa phương liên quan, vai trò của Phòng GD&ÐT huyện trong công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất rất đáng kể và nổi bật là đồng chí trưởng phòng"
Ông CAO THANH THƯƠNG - Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn
NGỌC TÚ