Quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô:
Giảm cả số vụ và diện tích rừng bị xâm hại
Thời gian qua, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR), ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng, tổ chức kiểm tra tại các điểm “nóng” phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật BV&PTR. Nhờ vậy, tình trạng cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng đã giảm đáng kể.
Lực lượng Kiểm lâm diễn tập chữa cháy rừng.
Kết quả đáng ghi nhận
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, để hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép và cháy rừng trong mùa khô, Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh đã hướng dẫn Hạt KL các địa phương rà soát, xác định diện tích trên 150.887 ha rừng trồng, đất chưa có rừng trạng thái Ia, Ib, Ic có nguy cơ cháy rừng cao và hơn 175.407 ha rừng, đất lâm nghiệp thường xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Diện tích rừng có nguy cơ cháy cao và diện tích rừng thường bị xâm hại đều đã được thể hiện rõ trên bản đồ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của các địa phương và các chủ rừng. Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục phó phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Sau khi xác định các khu vực rừng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã phân công cán bộ đứng chân địa bàn, phối hợp với chính quyền các địa phương, các hội-đoàn thể hướng dẫn, giám sát các chủ rừng trong quản lý BVR&PCCCR; huy động lực lượng tổ chức kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật BV&PTR; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của KL địa bàn, tạo điều kiện cho lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra và đôn đốc 28 Ban chỉ huy BVR&PCCCR của các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng triển khai các biện pháp cấp bách trong quản lý BVR&PCCCR”.
Từ đầu năm đến nay, Hạt KL các địa phương đã tổ chức 153 đợt tuyên truyền, phổ biến Luật BV&PTR cho 14.677 người dân và tổ chức cho 1.436 người ký cam kết không vi phạm Luật BV&PTR. Hạt KL các địa phương cũng đã tổ chức 724 đợt tuần tra, kiểm soát các khu vực rừng dễ xảy ra cháy rừng và các “điểm nóng” phá rừng, qua đó đã phá hủy tại rừng 0,38 m3 gỗ các loại, 125 lò than, 33.800 kg than hầm, 31 ster củi, 35 lán trại…
Chi cục KL tỉnh cũng tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản tại các địa phương và các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm truy xuất nguồn gốc lâm sản; kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá thực trạng công tác giao rừng, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại các địa phương, các công ty lâm nghiệp.
Công tác tuần tra, truy quét các tụ điểm khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép và xử lý các đối tượng vi phạm Luật BV&PTR cũng được tăng cường. Từ đầu năm đến nay, Hạt KL các huyện cùng Đội KL cơ động và PCCCR của tỉnh đã lập biên bản 170 vụ vi phạm Luật BV&PTR, trong đó đã xử lý vi phạm hành chính 139 vụ và xử lý hình sự 6 vụ (KL trực tiếp khởi tố hình sự 3 vụ, Công an khởi tố 3 vụ). Các địa phương cũng đã phát hiện và xử lý 3 vụ cháy rừng, 25 vụ phá rừng; phá nhổ 159,36 ha cây trồng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấm chiếm trái phép.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý BVR&PCCCR nên đã hạn chế được tình trạng cháy rừng, phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại các địa phương. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ cháy rừng giảm 17 vụ, diện tích rừng bị cháy giảm 93,97 ha; số vụ phá rừng giảm 49 vụ, diện tích rừng bị phá giảm 66,68 ha; diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm giảm 13,45 ha.
Tiếp tục tăng cường các biện pháp BVR&PCCCR
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện đang là mùa khô, cháy rừng, phá rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khó khăn thách thức trong công tác quản lý BVR&PCCCR vẫn còn nhiều. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật BV&PTR cho người dân sống gần rừng và vận động bà con cùng tham gia BVR&PCCCR. Bên cạnh đó, đôn đốc các chủ rừng (các Công ty TNHH lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, doanh nghiệp, cá nhân trồng rừng) tăng cường trách nhiệm bảo vệ tốt diện tích rừng được Nhà nước giao, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Phối hợp với ngành chức năng điều tra truy tìm đối tượng, củng cố hồ sơ các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn tồn đọng để xử lý.
Sở NN&PTNT chỉ đạo Hạt KL các địa phương, Đội KL cơ động và PCCCR phối hợp với các chủ rừng thường xuyên kiểm tra, truy quét tại các “điểm nóng” khai thác, vận chuyển lâm sản và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Chủ động bố trí lực lượng triển khai các phương án PCCCR, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Cũng theo ông Phan Trọng Hổ, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng cần chủ động triển khai các biện pháp PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Chỉ đạo các tổ chức, hội-đoàn thể cùng chung tay phối hợp với ngành chức năng và các xã, phường, thị trấn vận động, tuyên truyền hội viên của mình tham gia tích cực công tác BVR&PCCCR. Các chủ rừng cũng cần tăng cường trách nhiệm bảo vệ tốt diện tích rừng được Nhà nước giao, phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác trái phép lâm sản trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, đầu nguồn.
PHẠM TIẾN SỸ