Xã Bình Tân (huyện Tây Sơn): Trang trại nuôi heo “mọc” trên đất lâm nghiệp
Theo phản ánh của bà con ở thôn An Hội (xã Bình Tân, huyện Tây Sơn), chúng tôi về ghi nhận tình trạng một số hộ dân ngang nhiên vào khu vực có tục danh Hòn Sình (thuộc thôn An Hội) xây dựng trang trại chăn nuôi heo trái phép. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà từ chính quyền xã Bình Tân đến phòng chức năng huyện Tây Sơn lại từ chối trả lời phóng viên (PV).
Một trong 9 trang trại chăn nuôi heo xây dựng trái phép ở khu vực Hòn Sình, thôn An Hội, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn).
Trang trại chăn nuôi xây trên đất lâm nghiệp
Theo quan sát của PV, tại khu vực Hòn Sình hiện có 9 trang trại chăn nuôi heo được xây dựng trên khu đất rộng hàng ngàn mét vuông, xung quanh được bao bọc bởi rừng keo. Mỗi trang trại rộng khoảng 100 - 200m2. Để thuận tiện, chủ trang trại còn xây thêm nhà ở, kho để chứa thức ăn, vật dụng phục vụ cho việc chăn nuôi. Các trang trại này không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nước thải, phân heo đều thải trực tiếp ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được thì khu vực Hòn Sình trước đây do Lâm trường Sông Côn quản lý, sau đó UBND tỉnh có chủ trương thu hồi để giao lại cho UBND xã Bình Tân quản lý. 9 trang trại nuôi heo đang tồn tại trên khu vực này là của các ông: Ngô Đình Sa Vi (ở thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân - 2 trang trại), Nguyễn Công Doanh (quê Quảng Nam- 2 trang trại), Vương Văn Mạnh (trú xã Tây Bình, 1 trang trại), Nguyễn Văn Chín (ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân - 3 trang trại) và còn 1 trang trại chưa xác định được danh tính chủ nhân.
Nói về sự tồn tại của các trang trại chăn nuôi heo trên, nhiều hộ dân sống ở thôn An Hội, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) đều tỏ ra bất bình trước sự chần chừ vào cuộc kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương. Một người dân nói: “Họ xây dựng chuồng trại công khai trên đất lâm nghiệp, nhưng chúng tôi không thấy ngành chức năng của huyện Tây Sơn, lẫn chính quyền sở tại ngăn cản. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, bà con ở địa phương nhiều lần kiến nghị cần giải quyết vấn đề này rốt ráo để lập lại kỷ cương trên lĩnh vực quản lý đất đai. Đến nay, vẫn chưa thấy giải quyết gì”.
Có cần “né” báo chí đến thế?
Để làm rõ thêm về vấn đề này, chiều 20.7, PV báo Bình Định đã đến UBND xã Bình Tân liên hệ làm việc, nhưng ông Đỗ Văn Diện, Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cáo bận không tiếp. Sáng 24.7, chúng tôi quay trở lại trụ sở UBND xã một lần nữa, ông Diện lại tiếp tục từ chối vì: “Giờ tôi phải lên làng (làng M6, xã Bình Tân- PV) (!)”.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông Diện “né” báo chí theo cách này. Bởi trước đó, liên quan đến các vụ việc UBND xã Bình Tân tự ý cho khai thác cát tại sông Quéo (báo Bình Định đăng vào tháng 10.2016) hoặc làng nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì ở xã Bình Tân gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư (tháng 3.2017), ông Diện cũng viện cớ “đang đi công tác trên làng” để khỏi gặp PV.
Bị UBND xã từ chối trả lời, chúng tôi tiếp tục liên hệ với Phòng TN-MT huyện Tây Sơn. Nhưng sau khi nghe PV đặt vấn đề, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện, đã từ chối không trả lời vì “không phải là người có thẩm quyền phát ngôn” và đề nghị: “Có gì, anh cứ liên lạc với UBND huyện, UBND huyện sẽ cung cấp (!)”.
Việc này không có gì đáng phàn nàn nếu như trước đó (ngày 20.7) - khi trao đổi với PV qua điện thoại - ông Dũng không hứa đến đầu tuần sau (tức thứ Hai, ngày 24.7- PV) sẽ làm việc cụ thể với báo chí về vụ 9 trang trại nuôi heo đang tồn tại trái phép ở khu vực Hòn Sình.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với UBND huyện Tây Sơn thì được Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Sơn là bà Nguyễn Thị Thống hướng dẫn: PV cứ viết nội dung câu hỏi qua giấy, để Văn phòng xin ý kiến của Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Bùi Văn Mỹ (người phụ trách lĩnh vực này) và sẽ trả lời sau.
Việc 9 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn đang tồn tại trên đất lâm nghiệp ở khu vực Hòn Sình, thôn An Hội, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) từ mấy năm nay gây ô nhiễm môi trường, người dân đã kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết. Trang trại có được phép xây dựng trên đất lâm nghiệp hay không, và vì sao chính quyền UBND xã Bình Tân và cơ quan chức năng của huyện Tây Sơn lại chậm xử lý kiến nghị của nhân dân là điều dư luận đang quan tâm. Thái độ né tránh, thiếu hợp tác với báo chí như trên càng khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng có gì “khó xử” nên mới như vậy?
Báo Bình Định sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin sự việc này.
TRỌNG LỢI