Học sinh THPT liên quan tới 90% số vụ tai nạn giao thông của trẻ em
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã tổ chức "Lễ ký kết hợp tác lần thứ 3 về An toàn giao thông năm 2017" vào sáng 26.7 tại Hà Nội đồng thời công bố kết quả nghiên cứu an toàn giao thông năm 2016, những kết quả của “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện”.
Lễ ký kết hợp tác lần thứ 3 giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Nghiên cứu trên cho thấy học sinh trung học phổ thông đang là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn trong số các ca tử vong vì tai nạn giao thông. Phó giáo sư, tiến sỹ Chu Công Minh - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông và các cộng sự đã thực hiện dự án nghiên cứu dưới sự hỗ trợ từ VAMM và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia nhằm phân tích và tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.
Số liệu về tai nạn giao thông liên quan tới lứa tuổi học sinh cấp 3 cho thấy học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây. Ba nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ra tai nạn giao thông trẻ em bao gồm: đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.
Xét các mẫu điều tra dựa trên khảo sát phỏng vấn hành vi điều khiển phương tiện với 2.390 học sinh trung học phổ thông, nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường (chiếm 67%), thì học sinh trung học phổ thông lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng, với tỷ lệ lên tới 52%.
Tính đến hết năm 2016, chỉ xét riêng hộ gia đình có học sinh cấp 3 thì nghiên cứu cho thấy có tới hơn 200.000 xe đạp điện và máy điện lưu hành tại Hà Nội (trong đó có khoảng 106.440 xe đạp điện và 100.582 xe máy điện) góp phần không nhỏ vào vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông tại Thủ đô. Dữ liệu của cảnh sát giao thông và điều tra phỏng vấn học sinh đều cho thấy “vi phạm tốc độ” là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông ở lứa tuổi này.
Đánh giá về công tác giáo dục an toàn giao thông, qua các cấp học, học sinh trung học phổ thông vẫn chủ yếu được dạy về luật giao thông đường bộ và biển báo hiệu đường bộ. Và thực tế, học sinh được chỉ dẫn về kỹ năng điều khiển phương tiện chủ yếu từ cha mẹ.
Theo kết quả điều tra trong khuôn khổ nghiên cứu: 33% học sinh đi bộ trả lời rằng chưa được học cách đi bộ an toàn, 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách vì các chủ đề này chưa có trong giáo dục an toàn giao thông tại trường học.
Và cũng trong khảo sát này, có tới gần 90% học sinh và cha mẹ đồng thuận với mong muốn học sinh trung học phổ thông cần học về kỹ năng điều khiển phương tiện. Những con số này cho thấy sự cần thiết của việc thực hiện các khoá huấn luyện về an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn cơ bản ngay trong trường học.
Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia: “Chương trình phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội VAMM năm 2016 đã mang lại nhiều đóng góp tích cực cho công tác nâng cao nhận thức cho người dân và bảo đảm an toàn giao thông tại Việt Nam."
"Trong quá trình tham gia giao thông, nhóm học sinh trung học phổ thông là nhóm dễ bị tổn thương. Chính bởi vậy các giải pháp nhằm nâng cao an toàn giao thông cho học sinh Trung học phổ thông có vai trò rất quan trọng", vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ, ông Yano Takeshi-Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cam kết sát sao hơn trong quá trình hợp tác với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và đồng hành cùng Uỷ ban đưa ra các kiến nghị tốt nhất tới những Bộ ban ngành tương ứng nhằm cân bằng giữa các vấn đề giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp xe máy Việt Nam.
VAMM cũng công bố gói tài trợ cho dự án nghiên cứu “Vai trò của xe máy tại Việt Nam – Hiện tại và tương lai”, được thực hiện trong năm 2017 dưới sự giám sát của Ban điều hành Quỹ nghiên cứu an toàn giao thông của VAMM. Mục tiêu của đề án là đưa ra giải pháp quản lý sử dụng xe máy an toàn, hiệu quả, thân thiện để phát triển một môi trường giao thông an toàn, hiện đại cho người dân.
Theo DOÃN ĐỨC (Vietnam+)