Phục dựng nhiều hạng mục ở Tiểu chủng viện Làng Sông: Thêm niềm vui khi tìm về cội nguồn Quốc ngữ
Mấy năm gần đây, Tiểu chủng viện Làng Sông và Nhà in của Tiểu chủng viện - trong tư cách là một trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ (1868 - 1953) - nổi lên là một điểm đến thu hút đông đảo du khách. Vừa qua, Giáo phận Quy Nhơn đã phục dựng lại nhiều hạng mục bị hư hỏng, trong đó có Nhà in Làng Sông… Ðây thật sự là một tin vui cho những người muốn tìm về nơi hình thành chữ Quốc ngữ.
Thời gian và chiến tranh đã làm hư hỏng một số hạng mục ở Tiểu chủng viện Làng Sông. Dựa vào hình ảnh chụp vào những năm đầu thế kỷ XX, dấu vết nền móng và đối chiếu những kiến trúc hiện còn, Giáo phận Quy Nhơn đã phục dựng lại nhiều kiến trúc bị sập đổ như: Tòa Giám mục, Nhà in, Nhà quản lý… Nhà in phục dựng lại hiện được sử dụng làm Nhà trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tư liệu liên quan đến nhà in xưa và trưng bày một số ấn phẩm của Nhà in.
1. Năm 1850, Giáo phận Đông Đàng Trong, bao gồm từ Đà Nẵng vào đến Phan Thiết và Tây Nguyên được thành lập. Tại nhiệm kỳ Đại diện Tông tòa giáo phận Đông Đàng Trong (1864 - 1878) của Giám mục Eugène Charbonnier Trí, Tòa Giám mục Đông Đàng Trong từ Gia Hựu (Hoài Châu, Hoài Nhơn) được chuyển về Làng Sông.
Theo tư liệu của Giáo hội, Tiểu chủng viện Làng Sông được tu sửa nhiều lần, đến năm 1925 thì được khởi công xây cất kiên cố bằng tường xây, mái ngói thay thế những ngôi nhà tranh cũ, theo thiết kế của kiến trúc sư - Linh mục Charles Dorgeville. Lễ khánh thành Tiểu chủng viện Làng Sông diễn ra vào ngày 21.9.1927; một số kiến trúc chính còn tồn tại đến ngày nay như: Nhà nguyện, hai dãy lầu hai bên Nhà nguyện và một số công trình phụ khác.
2. Nhà in Làng Sông được Giám mục Eugène Charbonnier Trí thành lập năm 1868 trong khuôn viên Tiểu chủng viện Làng Sông. Năm 1904, Giám mục Damien Grangeon Mẫn tái thiết. Một số giám đốc điều hành Nhà in tiêu biểu như: Linh mục Paul Maheu (1904 - 1913 và 1919-1927), Linh mục Charles Dorgeville (1927-1929 và 1935-1937), Linh mục Perreaux (1929-1935).
Nhà in Làng Sông sau khi được tái thiết (2017).
Trước khi Linh mục Paul Maheu làm giám đốc điều hành Nhà in Làng Sông, ông có một thời gian nghỉ dưỡng và học nghề in ở Hồng Kông. Do vậy, dưới thời Giám đốc Paul Maheu, Nhà in Làng Sông cực thịnh. Với người quản lý giỏi kỹ thuật in ấn, hệ thống máy được trang bị mới, khổ in rộng, một số lượng sách, báo rất lớn đã được in ấn, phát hành từ đây.
Theo thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn năm 1922, Nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng Báo Lời thăm mỗi tháng 2 số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của Nhà in Làng Sông/Quy Nhơn trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với trên 3,4 triệu trang in.
Imprimerie de Làng Sông, Imprimerie de Qui Nhơn hoặc Imprimerie de la Mission de Qui Nhơn cùng là một ấn quán của Giáo phận Đông Đàng Trong. Ấn phẩm cuối cùng của Nhà in Làng Sông/Quy Nhơn in tháng 12.1953. Sau non một thế kỷ hoạt động lúc thăng lúc trầm, Nhà in Làng Sông đã có những đóng góp quan trọng trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ vào nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.
3. Ngoài hệ thống trường công lập của nhà nước, theo thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn tháng 2.1927, địa phận Đông Đàng Trong có tất cả 60 trường Quốc ngữ do giáo phận lập. Riêng Bình Định chiếm tới hơn một nửa, 31 trường: Bồng Sơn 8 trường, Tây Bình Định 8 trường, Đông Bình Định 15 trường. Học sinh Bình Định chiếm 2/3 tổng số học sinh Đông Đàng Trong (học sinh Công giáo chỉ chiếm khoảng 1/3). Các môn học gồm có: tập viết, bài đọc Quốc ngữ, bài đọc thường thức, chính tả, từ vựng, toán số học, đo lường, hình học, thường thức, địa lý, lịch sử, đạo đức, hội họa.
Nhà in Làng Sông đáp ứng sách học Quốc ngữ cho hệ thống trường Quốc ngữ Đông Đàng Trong lúc bấy giờ. Các loại sách học được tái bản nhiều lần nhất (có cuốn được tái bản đến 7 lần) như: Con nít học nói cho nhằm lễ nghi: Tiên học lễ, hậu học văn của Simon Chính; Ấu học trưởng thành thân của Pierre Lục, Sách mẹo An Nam tiểu học của Trần Kim, Tiểu học quốc văn ngữ pháp: cho các trường tiểu học theo tiếng Trung kỳ của Pierre Thanh Hương, Toán pháp ấu học: Bốn phép gốc, Tập đánh vần chữ Quốc ngữ cho mau biết coi sách...
Ở lĩnh vực văn học Quốc ngữ, Nhà in Làng Sông đã in một số lượng lớn tác phẩm của các cây bút nổi tiếng Nam bộ lúc bấy giờ như: Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, 30 đầu sách của Lê Văn Đức gồm nhiều thể loại: Tây hành lược ký, Ði săn bắt cướp (tuồng), Tìm của báu (tiểu thuyết), Chúa hài nhi ở thành Nazarét (kịch), Du lịch Xiêm...
Số lượng sách Quốc ngữ in tại Nhà in Làng Sông lên đến hàng ngàn bản, theo thống kê của Thư viện Quốc gia (Hà Nội) hiện đang lưu giữ 241 đầu sách của Nhà in Làng Sông/Quy Nhơn, hầu hết là sách Quốc ngữ, một số ít tiếng Pháp, quyển sớm nhất in năm 1910, quyển muộn nhất in năm 1944, như: Lưu tình (tâm lý tiểu thuyết, 1931, Nguyễn Vân Trai), Thiệt phận thuyền quyên (tiểu thuyết, 1925, Đinh Văn Sắt), Hai chị em lưu lạc (tiểu thuyết trẻ nhỏ, Pierre Lục), Địa dư tỉnh Phú Yên (bản đồ, 1937, Nguyễn Cầm, Trần Sĩ), Địa dư mông học Bình Định (1933, Bùi Văn Lăng)...
* * *
QL 19, đoạn từ cầu Bà Gi xuống cầu Thị Nại đi qua Tiểu chủng viện Làng Sông đã rút ngắn khoảng cách Quy Nhơn - Làng Sông. Và với những giá trị lịch sử - văn hóa vốn có cùng những công trình kiến trúc cổ kính, độc đáo mang phong cách châu Âu ẩn hiện hài hòa trong không gian cảnh quan tĩnh lặng, quyến rũ của những hàng sao xanh trăm tuổi, Tiểu chủng viện Làng Sông là một điểm đến thú vị đối với du khách khi về Bình Định.
NGUYỄN THANH QUANG