Trộm cắp ở nông thôn: Khi thủ phạm là những đứa trẻ
Chỉ trong vài tháng qua, cơ quan chức năng đã phát hiện thủ phạm của nhiều vụ trộm lớn là thiếu niên, gây lo lắng trong nhân dân.
CA xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn làm việc với gia đình có con em trộm cắp.
Ngày 30.6, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) để xe máy trước hiệu bạc Đắc Phú ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn thì bị kẻ gian lấy cắp. Qua truy xét, CA huyện Tây Sơn làm rõ thủ phạm là Trương Hùng Dâng (SN 2000, ở xã Tây Phú, Tây Sơn). Trong tháng 6.2017, Dâng đã đến tiệm điện thoại Quốc Đạt (ở thị trấn Phú Phong) vờ mua điện thoại di động, nhân lúc chủ cửa hàng bận bán hàng cho người khác, y đã lấy trộm 2 điện thoại trị giá trên 11 triệu đồng. Dâng bán một chiếc, còn một chiếc để lại sử dụng.
Cuối tháng 6 vừa qua, trên địa bàn xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn) liên tục xảy ra các vụ trộm nhà dân. Đáng chú ý là vụ kẻ gian đột nhập vào nhà ông Võ Cự (thôn Phụng Du) lấy mất 39 triệu đồng. Qua điều tra, CA xã Hoài Hảo phối hợp với CA huyện Hoài Nhơn đã tìm được thủ phạm là Nguyễn Đình Nguyên (SN 2000, ở cùng địa phương). CA đã thu lại được 21 triệu đồng, số tiền còn lại, Nguyên khai đã “nướng” hết vào game. Nguyên còn khai đã thực hiện 5 vụ trộm khác và 1 vụ cướp giật tài sản nhưng không lấy được tài sản.
Mới đây nhất, ngày 24.7, CA huyện Tuy Phước bắt quả tang các đối tượng: Nguyễn Minh Quang (SN 2001), Hồ Nhất Duy (SN 2000) và Nguyễn Duy Hiệu (SN 1999), cùng ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, đang lẻn vào nhà ông Đinh Văn Tỵ (ở cùng địa phương) để trộm gà thì bị chủ nhà phát hiện. Hồ Nhất Duy đánh ông Tỵ rồi bỏ chạy. Khai thác thêm, CA huyện còn phát hiện 3 thanh thiếu niên này đã thực hiện thêm 3 vụ trộm xe mô tô và nhiều vụ trộm gà khác trên địa bàn huyện.
Nhiều thủ phạm trộm “nhí” khi bị triệu tập tại cơ quan công an cùng cha mẹ vẫn còn rất ngơ ngác, thơ ngây. Còn người thân của các em thì căng thẳng, hối hận và cũng biết phần nào nguyên nhân con em mình phạm tội. Cũng có cha mẹ đổ lỗi cho nhau, rồi cãi nhau ngay tại cơ quan công an. Nhưng có một nguyên nhân chung nhất là xuất phát từ việc gia đình lơi lỏng quản lý, thiếu quan tâm giáo dục mà ra. Nhiều em khi được hỏi về cha mẹ đã rất bực bội, òa khóc, thậm chí nói rằng mình không có cha mẹ. Cán bộ điều tra tìm hiểu nguồn cơn mới biết cha mẹ các em bỏ nhau và đùn đẩy con cho ông bà nuôi dưỡng, thì nói chi đến việc quan tâm, giáo dục hay đến việc học hành của con mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu niên có hành vi sai lệch và vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều.
Tuy vậy, còn phải kể đến một nguyên nhân khác là hệ lụy của game online. Một người mẹ là bà Nguyễn Thị Tâm (ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) có con trộm cắp để có tiền chơi game, đã thốt lên rằng: “Ước sao cho các cơ quan chức năng dẹp hết mấy quán game. Nếu không có các tiệm internet thì chưa chắc con tôi đã phạm tội”. Nghe ra có vẻ cực đoan, nhưng thực tế cũng cần xem lại công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, giải trí ở vùng nông thôn. Ở nông thôn, nếu cha mẹ bận bịu với cơm áo gạo tiền, con cái không có chỗ sinh hoạt giải trí lành mạnh thì các quán game online là nơi trẻ em hay lui tới nhất. Đã có không ít điểm internet trở thành nơi tụ tập, bàn bạc cho những phi vụ trộm cắp tài sản của các tay trộm “nhí”. Một số gia đình buông xuôi, phó mặc con mình cho cơ quan công an, âu đó cũng là dấu hiệu thất bại của các bậc phụ huynh có con trộm cắp khi ở tuổi thiếu niên.
NGUYỄN SƠN