Tri ân Mẹ
Ngày 27.7, đúng tròn 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Triển lãm chuyên đề “Tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Ðịnh” do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức đã được khai mạc. Qua triển lãm, thế hệ hôm nay thêm một dịp được biết đến những hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam anh hùng cho đất nước.
Học sinh nghe thuyết minh tại Triển lãm.
Diễn ra đến ngày 3.8, Triển lãm gồm 2 chủ đề: chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu tỉnh Bình Định (gồm ảnh chân dung; bảng thống kê Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Định được phong tặng và truy tặng qua các thời kỳ; một số kỷ vật của các mẹ) và Bình Định tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng (ảnh về các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, lễ phong tặng - truy tặng…).
1.
Khuôn khổ một triển lãm chuyên đề không thể giới thiệu trọn vẹn hết 5.251 mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh, do vậy Triển lãm “Tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Định” (gọi tắt là Triển lãm) chọn giới thiệu 145 mẹ có từ 4 người thân là liệt sĩ. Trong đó, có 7 mẹ có 6 liệt sĩ, 14 mẹ có 5 liệt sĩ và 124 mẹ có 4 liệt sĩ.
Đời các mẹ gắn liền với chiến tranh, chia ly, mất mát và âm thầm hy sinh, vậy nên dễ hiểu, trong số 145 mẹ, có đến gần một nửa số mẹ hoàn toàn không có một di ảnh nào. Tại mỗi ô panô giới thiệu về mẹ, chỉ có tên, năm sinh, và huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được dùng thay cho ảnh chân dung các mẹ. Tại Triển lãm, có một số người xem dừng lại lâu và xúc động trước 71 “bức chân dung không ảnh” và cúi đầu tưởng niệm…
2.
Tuy chỉ dừng lại ở con số 145/5.251 mẹ, 25 hiện vật của mẹ, 58 ảnh về các hoạt động liên quan…, song “lát cắt” này thật sự khiến người xem, thế hệ trẻ hôm nay thêm xúc động, biết ơn khi nghĩ về mẹ.
Dãy ảnh chân dung nối dài. Là Mẹ, mỗi cái tên đều giản dị: Ngô Thị Có (Mỹ Thọ, Phù Mỹ), Nguyễn Thị Liếng (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn), Ngô Thị Dần (Phước Hòa, Tuy Phước), Phạm Thị Mười (Nhơn Bình, Quy Nhơn), Trương Thị Được (Tây Thuận, Tây Sơn)…, những khuôn mặt lam lũ và hiền hậu mà ẩn sâu là nghị lực cùng đức hy sinh.
Qua thuyết minh viên Thanh Trà, người xem có dịp biết đến tấm gương mẹ Đặng Thị Ruộng ở xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn - có 6 người con là liệt sĩ. Tại Triển lãm, ngoài ảnh chân dung, người xem còn được biết đến 2 kỷ vật về mẹ Ruộng, đó là chiếc mũ tai bèo của đứa con gái thứ 6 - liệt sĩ Trần Thị Tới, và chiếc ống vố ăn trầu đã đi theo suốt cuộc đời mẹ - từ những năm tháng chiến tranh đến ngày hòa bình và trước lúc mẹ qua đời.
3.
Là đại biểu được mời đến dự Triển lãm, trung tá Trần Văn Dung, Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia ở địa bàn TP Quy Nhơn, xem rất kỹ từng bức chân dung, từng hiện vật. Ông chia sẻ: “Từ Triển lãm chuyên đề này, nhất là thấy có đến 71/145 mẹ không có ảnh chân dung, tôi chợt nghĩ đến khâu lưu trữ hình ảnh về các mẹ hiện còn sống trong tỉnh. Thời chiến tranh và hạn chế về phương tiện, vì khách quan mà không có ảnh lưu lại, giai đoạn hiện nay chắc chắn điều này đã chu đáo hơn nhiều, tuy vậy, công tác lưu trữ về hình ảnh nói riêng hay tư liệu nói chung vẫn rất cần thiết và ý nghĩa. Hy vọng, nếu có những kỳ triển lãm chuyên đề như thế này nữa, sẽ có những bức ảnh chân dung, ảnh đời thường, ảnh nghệ thuật mới được chụp, thể hiện cuộc sống hiện tại của các mẹ. Nếu làm được điều đó, tôi nghĩ sẽ tạo thêm nhiều cảm xúc nơi người xem và đạt hiệu quả tuyên truyền hơn nữa”.
SAO LY