Cơ giới hóa trong thâm canh trồng mía: Giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất
(BĐ) - Đó là đánh giá của ngành chức năng và các hộ trồng mía tại hội thảo ứng dụng cơ giới hóa trong thâm canh trồng mía do Sở NN&PTNT phối hợp Nhà máy đường An Khê tổ chức ngày 28.7 tại xã Tây Thuận (Tây Sơn).
Tham quan cánh đồng mía tại xã Tây Thuận
Vụ trồng mía 2016-2017, Nhà máy đường An Khê đã phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương vận động 69 hộ dân ở các xã: Tây Thuận, Tây Giang (Tây Sơn); Vĩnh Thuận, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh); Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn) trồng gần 50 ha mía tơ K95-84, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu cải tạo đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía.
Theo người trồng mía, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất thâm canh mía đã giảm được 2 triệu đồng chi phí làm đất so với cách làm truyền thống, giảm 4 triệu đồng chi phí chăm sóc. Tỷ lệ cây giống sống cao, mía sinh trưởng và phát triển tốt, mía đồng đều, dự kiến năng suất đạt 100 tấn/ha.
Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, cho biết: Sử dụng máy liên hợp để thu hoạch, sẽ giúp nông dân giảm 5,5 triệu đồng chi phí xén mía gốc, băm tủ rác mía. Nhà máy cũng thu mua toàn bộ sản phẩm với giá có lợi cho nông dân.
Vụ trồng mía 2017-2018, chúng tôi phấn đấu phát triển diện tích cánh đồng lớn trên 400 ha mía tơ và chăm sóc toàn bộ diện tích mía gốc cánh đồng lớn đã thực hiện trong vụ vừa qua.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cơ giới hóa trong thâm canh trồng mía nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất gắn với việc giải quyết đầu ra sản phẩm lâu dài cho nông dân phù hợp với chủ trương của tỉnh.
Do vậy, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và Nhà máy đường An Khê mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thâm canh ứng dụng cơ giới hóa.
Tin và ảnh: T.SỸ