Xây dựng quảng trường xứng tầm đô thị
Quảng trường luôn giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân. Hiện nay, việc lập quy hoạch xây dựng quảng trường của tỉnh tại TP Quy Nhơn đang được tiến hành.
Trông người ngẫm ta
Nhận thức được vai trò quan trọng của quảng trường, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã quan tâm đầu tư xây dựng. Riêng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, một số địa phương đã và đang hướng đến xây dựng quảng trường quy mô lớn, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Cách đây 5 năm, quảng trường Đại Đoàn Kết được xây dựng với diện tích 40.000m2 ở trung tâm TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Quảng trường này có kinh phí đầu tư khoảng 230 tỉ đồng, được giới chuyên môn đánh giá hài hòa về tổng thể và đạt tính mỹ thuật cao.
Tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp quảng trường 24.3 tại TP Tam Kỳ. Theo quy hoạch, quảng trường 24.3 có diện tích hơn 4,6 ha, được chia thành 3 không gian theo hướng từ Tây sang Đông, có 5 khu chức năng gồm: quảng trường chính, khu sân nền đường dạo nội bộ, khu tượng đài chiến thắng- đài phun nước, khu sân vườn, hệ thống cây xanh… với kinh phí đầu tư dự kiến hơn 81 tỉ đồng.
Cho đến nay TP Quy Nhơn vẫn chưa có quảng trường đúng nghĩa. Các địa điểm thường tổ chức các sự kiện của tỉnh, TP Quy Nhơn như quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, quảng trường Tượng đài Chiến thắng đều không đạt các yêu cầu về không gian quảng trường. Vì vậy, tại buổi làm việc với Sở VH-TT&DL cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan vào đầu tháng 7.2013, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã nhấn mạnh: “Phải xây dựng quảng trường để tổ chức các hoạt động mít-tinh, kỷ niệm trong các dịp lễ, Tết, cùng các sự kiện văn hóa khác”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 26.7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng làm việc với các đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch xây dựng quảng trường của tỉnh. Địa điểm xây dựng quảng trường theo trục giao thông chính đường Nguyễn Tất Thành, có giới cận cụ thể: phía Đông giáp đường Phạm Hùng, Đô đốc Bảo, Nguyễn Thiếp; Tây giáp đường Lê Duẩn, Nguyễn Tư, Diên Hồng, An Dương Vương; Bắc giáp nút giao thông Nguyễn Thái Học - Nguyễn Tất Thành; Nam giáp biển và Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn.
“Việc quy hoạch xây dựng quảng trường của tỉnh không chỉ là trách nhiệm của Sở Xây dựng, Sở VH-TT&DL, các ngành, các ban liên quan. Để có được quảng trường xứng tầm của đô thị loại 1, rất cần ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ lão thành, nhân dân”.
Đồng chí NGUYỄN VĂN THIỆN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Theo Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn lập quy hoạch quảng trường của tỉnh là Viện Kiến trúc (thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam). Đây cũng là đơn vị tư vấn quy hoạch xây dựng quảng trường Đại Đoàn Kết của Gia Lai. Theo ý tưởng quy hoạch ban đầu đã được đơn vị tư vấn đưa ra, quảng trường của tỉnh có tổng diện tích lên đến 7ha, có trục chính hướng biển, theo hướng kết hợp giữa công viên với quảng trường, giữ lại và phát triển thêm trên cơ sở các mảng cây xanh hiện có. UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương cho đơn vị tư vấn nghiên cứu, đề xuất vị trí xây dựng tượng đài cụ Nguyễn Sinh Sắc trong quảng trường của tỉnh. Tượng đài được đúc bằng đồng, nền sử dụng chất liệu đá granite.
Việc xây dựng quy hoạch quảng trường của tỉnh cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đảm bảo tính hiệu quả hướng đến một không gian đẹp, tạo được tính tư tưởng và văn hóa. Một hội viên Hội Kiến trúc sư Bình Định cho rằng: “Quy hoạch quảng trường của tỉnh cần hướng đến tính thời đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển, làm đẹp không gian đô thị Quy Nhơn không chỉ ở hiện tại mà còn ở tương lai. Việc xây dựng tượng đài là cần thiết nhưng không nên đi theo “lối mòn” nặng về sự phô trương, bê tông hóa làm yếu tố chủ đạo như một số tỉnh, thành đã làm. Nên lấy cảnh quan thiên nhiên làm điểm nhấn, thể hiện được vẻ đẹp đặc trưng riêng của không gian quảng trường”.
HOÀI THU