Cảnh giác với sốt xuất huyết
Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại các địa phương đang bùng phát mạnh số bệnh nhân điều trị SXH đã gây quá tải bệnh viện trầm trọng. Đáng lo ngại hơn, số người tử vong từ bệnh này cũng có nguy cơ gia tăng. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên toàn quốc.
Mặc dù cho đến thời điểm này diễn biến SXH ở Bình Định vẫn chưa có biểu hiện bất thường nhưng việc cảnh giác làm tốt công tác phòng ngừa là không thể lơ là. Trong hai năm 2015-2016 vừa qua tình hình SXH ở tỉnh ta đã có những diễn biến bất thường và là một trong những địa phương phía Nam có số ca SXH tăng cao, có bệnh nhân tử vong do SXH.
Theo đánh giá của Sở Y tế Bình Định trong mùa SXH năm ngoái, nguyên nhân dẫn đến số ca mắc SXH tăng nhanh là do nhận thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, việc tự giác kiểm tra và loại trừ bọ gậy của cộng đồng còn yếu, khi mắc bệnh chưa đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Việc tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở một số điểm chưa đạt yêu cầu, tỉ lệ hộ không được phun hóa chất chiếm khoảng 20-40%, số lần phun không đúng quy trình dẫn đến chỉ số muỗi sau khi phun hóa chất không hạ xuống ngưỡng an toàn. Ngoài ra, yếu tố dẫn đến dịch lây lan nhanh là do điều kiện thời tiết xuất hiện mưa, ẩm, khí hậu ấm tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Các chỉ số bọ gậy, chỉ số muỗi tăng rất nhanh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nhiều nơi sau khi tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy được một thời gian ngắn thì chỉ số côn trùng tăng cao trở lại.
Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết như hiện nay và tính chu kỳ của dịch bệnh SXH, nguy cơ xảy ra dịch SXH trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian tới là không thể loại trừ. Vì vậy, ngay từ bây giờ ngành y tế và các địa phương cần tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.
Chúng ta đều biết, SXH là bệnh lây truyền do muỗi vằn gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Thời tiết thất thường, nắng mưa không ổn định là thời điểm thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH hình thành và phát triển. Để giảm số người mắc và tử vong do SXH, ngành y tế và người dân nên tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh. Ngành chức năng cần tập trung thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là việc sớm phát hiện các ca mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng xử lý ổ dịch; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động diệt mầm mống phát sinh muỗi, tạo thói quen ngủ mùng..., góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Để chủ động phòng chống bệnh có hiệu quả, ngành y tế cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phòng chống bệnh cho nhân dân, chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở y tế tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh, không để bệnh SXH bùng phát trên địa bàn. Đặc biệt, để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH cần thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.
H.Đ