Khi chính quyền lắng nghe ý kiến nhân dân
Chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân nhằm tìm ra “tiếng nói chung”, giải quyết những tồn tại, bức xúc tại địa phương là một hoạt động thiết thực mà UBND tỉnh và một số địa phương đã và đang thực hiện.
Sáng 25.7, tại hội trường UBND xã Bình Nghi (Tây Sơn), lãnh đạo huyện Tây Sơn đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân xã Bình Nghi để nghe bà con phản ánh tâm tư, nguyện vọng về các vấn đề liên quan trực tiếp đến họ. Trên tinh thần cởi mở, người dân xã Bình Nghi thẳng thắn nêu những bức xúc lâu nay chưa được giải tỏa.
Người dân xã Bình Nghi trình bày ý kiến tại buổi đối thoại ngày 25.7.
Không khí “nóng” dần khi ông Nguyễn Sơn Cường (thôn Thủ Thiện Hạ) chất vấn lãnh đạo huyện về việc xóa bỏ lò gạch thủ công tại địa phương: “Lò gạch Hoffman sản xuất với công suất lớn, hoạt động cả ngày lẫn đêm, song lại dùng củi để nung và thải lượng lớn khói, bụi ra môi trường đâu khác gì lò gạch thủ công. Nhưng vì sao lò gạch Hoffman vẫn được ưu ái cho tồn tại và tiếp tục cho xây mới?”.
Ông Đặng Văn Sỹ (thôn 1) nêu tâm tư: “Sản xuất gạch, ngói theo phương thức thủ công là nghề truyền thống tại xã Bình Nghi, nhiều thế hệ gắn bó với nghề này. Tháo dỡ lò khiến hàng ngàn người lao động mất công ăn việc làm, chủ lò cũng lao đao vì mất “cần câu cơm”. Tuy nhiên, bởi đây là chủ trương của Nhà nước, chúng tôi không phản đối, nhưng các cấp, các ngành cũng cần xem xét, lắng nghe nguyện vọng cũng như tính đến phương án hỗ trợ giải quyết việc làm bền vững cho người dân sau đó...”.
Ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, đã tiếp thu và giải trình các thắc mắc của bà con với tinh thần cầu thị. Ông Sỹ nói: “Lãnh đạo huyện rất trăn trở về việc tháo dỡ lò gạch thủ công, bởi đây là nghề truyền thống và giải quyết việc làm cho gần chục ngàn lao động địa phương. Nhưng, đây là chủ trương từ Trung ương nên phải thực hiện và theo đúng lộ trình địa phương đã đề ra (đến ngày 31.12.2017 là phải xong - PV). Việc tiếp tục xây mới một số lò gạch Hoffman đã được UBND tỉnh bổ sung quy hoạch, cho chủ trương thực hiện để giải quyết nhu cầu chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang Hoffman, nhưng về lâu dài cũng sẽ có lộ trình để xóa bỏ. UBND huyện sẽ sớm tập trung giải quyết những vấn đề chính đáng thuộc phạm vi của chính quyền địa phương để bà con ổn định cuộc sống”.
Chủ tịch UBND huyện kết thúc giải trình cũng là lúc không khí bên trong hội trường dần... “giảm nhiệt”. Dẫu còn một số ý kiến chưa nhất trí, nhưng hầu hết bà con đều cảm thấy nhẹ trong lòng hơn khi những bức xúc của họ đã được lãnh đạo huyện lắng nghe và trả lời trực tiếp. Trước đó, ngày 18.7, lãnh đạo huyện này cũng tổ chức đối thoại với người dân xã Bình Tân, trả lời cụ thể, xác đáng các vấn đề người dân đặt ra.
Thời gian gần đây, UBND tỉnh cũng đã tiến hành đối thoại trực tiếp với người dân ở một số địa phương như xã Canh Vinh, Canh Hiển (huyện Vân Canh) hay ở Ân Tường Đông, Ân Đức (huyện Hoài Ân) vốn đang “nóng” trong lĩnh vực khai thác khoáng sản hoặc địa điểm xây dựng bãi chôn lấp rác thải... Lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe, tiếp thu và trực tiếp giải đáp các ý kiến, phản ảnh của bà con nhân dân, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót của các cấp chính quyền.
Người dân xã Canh Vinh (Vân Canh) nêu ý kiến tại buổi đối thoại với UBND tỉnh vào ngày 22.6.
Hiệu quả từ các buổi đối thoại trực tiếp là chính quyền các cấp, các ngành chức năng và nhân dân hiểu nhau hơn, cùng tìm được tiếng nói chung để giải quyết những tồn tại, khúc mắc. Song, điều người dân quan tâm và cần hơn cả là lãnh đạo các cấp chính quyền sau đó sẽ có những động thái cụ thể nào để chấn chỉnh, giải quyết, xử lý rốt ráo những bức xúc đã được nêu ra tại các buổi đối thoại. Có như vậy mới thể hiện rõ được vai trò, hiệu quả điều hành của chính quyền, đó là ghi nhận đi đôi với giải quyết.
CÔNG LUẬN