Nguyên nhân nhiều diện tích hồ tiêu bị dịch bệnh: Trồng tự phát, không theo quy hoạch
Thời gian qua, diện tích hồ tiêu trong tỉnh tăng nhanh, tập trung chủ yếu ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Lão... Tuy nhiên, do nông dân trồng tự phát, không theo quy hoạch của địa phương, chọn đất trồng chưa phù hợp, thiếu kinh nghiệm trong phòng trừ sâu bệnh... nên dịch bệnh trên cây tiêu bùng phát, khó kiểm soát.
Trồng nhiều nhưng thiếu kinh nghiệm
Theo số liệu của ngành Nông nghiệp tỉnh, nếu như năm 2013 diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 427 ha, năng suất bình quân 10 tạ/ha, sản lượng đạt 320 tấn, thì đến năm 2016, diện tích đạt 765 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm gần 470 ha, năng suất bình quân 11,1 tạ/ha, sản lượng 522,2 tấn. Ước tính năm 2017, diện tích tiêu đạt trên 780 ha, năng suất bình quân 11,5 tạ/ha, sản lượng đạt gần 545 tấn. Tuy nhiên, ở một số địa phương trong tỉnh, bệnh chết nhanh, chết chậm đã và đang phát sinh gây hại trên các vườn tiêu.
Một vườn tiêu ở Hoài Nhơn.
Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Thời gian gần đây, ở một số địa phương, bệnh chết nhanh và bệnh chết chậm, kết hợp với rệp sáp và tuyến trùng hại rễ phát sinh gây hại phổ biến trên cây tiêu ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển, nhưng nặng nhất là giai đoạn kinh doanh. Năm 2016, bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại 9 ha, tập trung chủ yếu ở Hoài Ân (8 ha) và Hoài Nhơn (1 ha); trong đó, diện tích nhiễm nhẹ đến trung bình là 7 ha, diện tích nhiễm nặng (tỉ lệ >8%) là 2 ha. Từ đầu năm 2017 đến nay, tổng diện tích tiêu nhiễm bệnh này trên địa bàn tỉnh đã tăng lên trên 45 ha, nặng nhất là ở các vườn tiêu giai đoạn kinh doanh, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn, các huyện khác bệnh xuất hiện rải rác.
Nguyên nhân cây tiêu bị bệnh và chết trong thời gian qua là do phần lớn các diện tích tiêu này được trồng tự phát, không theo quy hoạch của địa phương; đất trồng tiêu không phù hợp, ở vùng trũng thấp, thường xuyên đọng nước vào mùa mưa, tạo điều kiện cho các loại nấm như Phytopphthora spp., Fusarium sp., Rhizoctonia sp, Pythium sp… kết hợp với rệp sáp và tuyến trùng hại rễ phát sinh gây hại. Một số nông dân không chủ động thoát nước trong mùa mưa, chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật và thiếu kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho tiêu nên khi dịch bệnh xảy ra thì lúng túng, không biết cách xử lý.
Quy hoạch vùng trồng, xác định loại đất phù hợp
Việc người dân đua nhau trồng tiêu bất chấp khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng đã phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng ở một số địa phương. Mặt khác, việc ồ ạt trồng tiêu không chú trọng đến cải tạo đất, xử lý mầm bệnh hoặc trồng trên vùng đất không phù hợp; đồng thời sử dụng phân hóa học với liều lượng cao, ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học cho cây tiêu… là những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên cây tiêu phát triển mạnh, nhất là các loại nấm bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại bộ rễ, đã hủy diệt hàng loạt các vườn tiêu.
Để chủ động trong công tác quản lý, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hồ tiêu hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Cơ quan nông nghiệp các địa phương cần căn cứ vào định hướng phát triển cây trồng của địa phương và đặc điểm thổ nhưỡng từng vùng, tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch diện tích và xác định vùng đất trồng hồ tiêu phù hợp. Nông dân chọn đất trồng tiêu phải đảm bảo các đặc điểm cơ bản về lý tính và hóa tính. Về lý tính, đất có tầng canh tác dày, có mực nước ngầm sâu, tơi xốp, có khả năng giữ nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, đất có nhiều chất hữu cơ, dễ thoát nước vào mùa mưa (tuyệt đối không trồng tiêu ở chân đất trũng, úng ngập vào mùa mưa); đất có độ dốc dưới 10%, tốt nhất 3-5%. Về hóa tính, đất phải có độ pH từ 5,5 - 7 (pH tối thiểu 4,5 nhưng cần bón vôi để nâng lên trên 5), đất nhiều mùn (giàu N, P, K và Mg). Các địa phương tăng cường kiểm tra, nắm chắc diện tích trồng tiêu, kết hợp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
ÐINH VĂN TOẠI