Bảo vệ môi trường phát triển du lịch!
Hội thảo “Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia” do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Ninh Bình cách đây 2 ngày (28.7) đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ hủy hoại môi trường phát triển du lịch ở nhiều khu du lịch quốc gia cũng như ở các địa phương trong cả nước.
Theo đó, một trong những thách thức không nhỏ là việc phát triển du lịch quá nóng đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch. Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam Phạm Trung Lương cho biết, thực trạng nhiều khu du lịch ven biển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí sắp bị “xóa sổ” như khu du lịch Cửa Đại (Hội An), khu du lịch Khai Long (Cà Mau)… cần được xem như những cảnh báo nghiêm túc đối với phát triển du lịch ở nhiều nơi khác trong cả nước. Bởi lẽ, cùng với phát triển du lịch là sự gia tăng về lượng du khách, kéo theo sự gia tăng của hàng loạt vấn đề như: các chất thải từ hoạt động du lịch, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn… Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng dẫn đến sự biến đổi cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái... theo chiều hướng tiêu cực.
Theo các số liệu tính toán của các chuyên gia, có tới 60-70% lượng chất thải ra biển bắt nguồn từ đất liền. Các chất thải này là rác sinh hoạt, nước thải chưa xử lý, hóa chất, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, đất cát, phế thải vật liệu xây dựng... Mặc dù biển là cỗ máy tự nhiên có khả năng xử lý chất thải rất lớn và hữu hiệu nhưng không phải là vô giới hạn. Do đó, nếu không kiểm soát các nguồn phát thải một cách hợp lý sẽ phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, tạo nguy cơ xâm hại nghiêm trọng đến tài nguyên biển. Hậu quả “nhãn tiền” của việc xả thải bừa bãi là môi trường nước biển giảm chất lượng, nguồn lợi thủy sản giảm, các hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mấy năm gần đây, ngành du lịch Bình Định đã có sự phát triển mang tính đột phá với tốc độ tăng trưởng khá nóng. Trong đó du lịch biển được xác định là trọng tâm để thu hút du khách. Nhiều vùng ven biển đã được “đánh thức” và trở thành điểm đến hấp dẫn. Và đây cũng chính là tác nhân dẫn tới những ảnh hưởng về mặt môi trường. Biểu hiện dễ thấy là tình trạng các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống lấn chiếm không gian ven biển, thường xuyên xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường biển và ven biển. Ở một số nơi đã có tình trạng môi trường biển bị ô nhiễm do nguồn nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra biển.
Hoạt động du lịch một mặt làm cho các vùng ven biển khởi sắc về mọi mặt, nhưng mặt khác lại gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Một khi các bãi biển, vịnh biển bị ô nhiễm thì sẽ tác động tiêu cực “ngay và luôn” đến ngành du lịch. Thực tế đó đòi hỏi chính quyền các địa phương và các ngành chức năng triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường biển bằng các hoạt động thường xuyên làm sạch bãi biển, thu gom, xử lý rác thải trên bờ; đồng thời tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường biển, xử lý mạnh tay các hành vi xâm hại môi trường biển, nhất là hành vi đổ rác thải, nước thải tại các khu vực ven bờ.
Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt. Do đó, để hướng tới sự phát triển bền vững thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải luôn luôn bảo vệ môi trường du lịch, cả về tự nhiên và xã hội, một cách tốt nhất.
HẢI ÐĂNG