Xã Vĩnh An (Tây Sơn): Chuyện buồn sau những chén rượu
Tình trạng “nhà nhà uống rượu, người người uống rượu” trong đồng bào dân tộc thiểu số Bana ở xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, đã và đang gây ra những hệ lụy, trong đó có nguyên nhân gây ra tình trạng tự tử.
Thanh niên, phụ nữ xã Vĩnh An uống rượu.
“Không ăn cơm, nhưng phải uống rượu”
Không khó để tìm kiếm các điểm bán rượu ở các làng trên địa bàn xã Vĩnh An. Xã có 5 làng với 370 hộ dân (trên 1.400 người) và 21 điểm bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ kiêm bán rượu. Mỗi làng có ít nhất từ 2 quán bán bia, rượu. Làng Giọt 1 và Kon Giang đông hơn cả nên tổng cộng có 13 quán. Quán rượu cách nhà chỉ vài bước chân, xa nhất cũng chỉ 200 m. Những can rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ được chiết từ can nhựa ra từng bọc ni lông cứ thế bán cho người mua. Mỗi lít rượu ở đây có giá 10.000 - 12.000 đồng.
Có rất nhiều lý do để uống rượu. Làm nhà mới, đám cưới, đám ma, đổi vòng công, thậm chí không có chuyện gì làm thì uống rượu giải khuây. Khoảng 80% nhân khẩu trong xã đều sử dụng rượu. Một chủ đầu mối rượu cho biết, chừng 2 -3 ngày lại cung cấp cho quán bán rượu nơi đây khoảng 300 lít rượu. Chị Đ.T.H ở làng Kon Mon nói: “Ở làng ai cũng uống hết, trai cũng uống, gái cũng uống. Khoảng 2 - 3 người uống hết 1 lít. Nếu có tiền thì người Bana mình uống nhiều lắm đó, không có thì mua nợ. Không nợ được nữa thì đi làm thuê kiếm tiền trả; còn không thì lên rẫy chặt buồng chuối, đu đủ, bắp ở rẫy đem vô quán đổi lấy rượu”.
Tuyên truyền tác hại về bia rượu, xử lý các quán rượu không rõ nguồn gốc
Thực hiện Công văn số 147 của Huyện ủy Tây Sơn về tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về nạn tự tử, tự sát trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, UBND xã Vĩnh An đã thực hiện các giải pháp tuyên truyền cho bà con hiểu được vấn đề. Mặt khác, xã chỉ đạo các ngành, hội, đoàn thể xã và các ngành chức năng tuyên truyền để bà con nhận thức được tác hại của rượu bia. Ngoài ra, kiểm tra về an toàn thực phẩm và sẽ xử lý các quán buôn bán rượu không rõ nguồn gốc.
Ông ÐINH HOANG BÌNH, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An
Buổi trưa, tôi dạo qua các làng, nhà nào cửa trước cũng đóng rất kín. Cứ ngỡ chủ nhà làm rẫy chưa về, nhưng kỳ thực, ở phía sau vườn là người nằm kẻ ngồi gật gù bên ly rượu. Tôi gặp vợ chồng chị Đ.T.R ở làng Giọt 1 đang nằm đu đưa bên chiếc võng ngoài vườn nhà sau khi đã uống hết 3 xị rượu vào buổi sáng. Gian bếp trống trơn, nguội lạnh như lâu ngày không sử dụng. Chung quanh là 4 đứa con nheo nhóc, ngơ ngác đưa mắt nhìn người lạ.
Chị R. vô tư: “Nghe người ta nói rượu có cồn, có độc gì đó. Chớ mà thấy rượu thèm cũng phải uống hè. Đi làm có tiền cũng uống rượu hết à. Cả ngày bỏ cơm không ăn cũng được, nhưng rượu thì không thể. Có người không có rượu tay chân run lập cập, hoa mắt, không bước đi nổi. Thậm chí có người 2, 3 giờ sáng cơn nghiện nổi lên, phải gõ cửa gọi chủ quán bán rượu”.
Và báo động những hệ lụy
Theo thống kê tại Hội nghị “Bàn giải pháp ngăn chặn tình trạng tự tử, tự sát trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện” của Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn vào tháng 5.2017, từ năm 2014 đến nay, cả xã xảy ra 19 vụ tự tử, tự sát, làm chết 9 người và 11 người được kịp thời cứu sống. Rượu cũng xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng: Rượu vào lời ra rồi gây gổ dẫn đến đánh nhau. Nhiều người uống say về nhà xúc phạm danh dự, nhục mạ, thách thức người thân trong gia đình; thậm chí là đánh đập, bạo hành cả thể xác. Từ đó dẫn đến sự bức xúc, tự ái rồi tìm đến cái chết. Mới đây, ông Đ.Ph sau khi uống rượu về nhà gây gổ, đánh anh em trong gia đình. Còn ngày 6.7, quá bức xúc trước đứa con trai nghiện ngập, thường xuyên về nhà đánh cha mẹ, bà Đ.T.P đã uống thuốc cỏ tự vẫn, may mà cứu được.
Ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, thừa nhận tình trạng uống rượu ở xã rất phổ biến, và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn tự tử, tự sát thời gian qua. Từ đầu năm 2017 đến nay, có 5 vụ tự tử làm chết 2 người. Nguyên nhân một phần do uống rượu; phần khác do cãi vã trong gia đình. “Bởi bà con trong làng hay tự ái, tự ti; không vừa ý chuyện gì đó cũng tìm đến cái chết, nên mỗi khi họp hành tuyên truyền nhắc nhở gì, xã cũng nói chung chung, khéo léo chứ không dám nói mạnh”- ông Bình nói.
Rời xã Vĩnh An, ám ảnh chúng tôi là đôi mắt trong veo của những đứa trẻ còn khá thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Rồi đây, tương lai của chúng sẽ như thế nào khi bên cạnh chúng là những người cha, người mẹ luôn đắm chìm trong men rượu. Đi cùng với rượu chè, nghiện ngập là nghèo đói và thất học.
ÁNH NGUYÊN