Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân: “Mong để lại chút ít gì đó cho đời sau”
Gần hai năm qua, người dân ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước đã quen mặt một cụ già từ Quy Nhơn lặn lội về tìm hiểu những chuyện từ lâu đã chìm sâu vào ký ức. Ðó chính là nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, đang tâm huyết thực hiện công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian vùng cổ thành Thị Nại.
Đã gần 85 tuổi, nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân vẫn chịu khó thường xuyên đi sưu tầm trên thực địa, kết hợp với việc tìm kiếm, đọc nhiều nguồn tài liệu thư tịch cổ, kết hợp vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử, địa lí... để thực hiện công trình sưu tầm, nghiên cứu về “Văn hóa dân gian vùng cổ thành Thị Nại”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đang xem lại các phần đã thực hiện trong công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian vùng cổ thành Thị Nại.
85 tuổi vẫn miệt mài đường xa
Nơi ông thường xuyên có mặt nhất vẫn là xã Phước Hòa và phương tiện ông chọn vẫn là chiếc xe đạp điện. Một mình ông, từ Quy Nhơn vượt mấy chục cây số đến các địa điểm liên quan đến cổ thành ngày xưa, gặp những người hiểu biết để nhờ cung cấp thông tin. Cứ túc tắc túc tắc như vậy mà rồi giờ đây, gần như dân Phước Hòa ai cũng quen mặt ông.
“Theo các cụ cao niên thì nghề gốm ở Hữu Thành đã ngừng sản xuất hơn nửa thế kỷ. Nhưng đến tận hôm nay, người dân ở xóm Thành Bắc vẫn giữ gìn và tổ chức lễ cúng trang trọng tại miếu thờ Tổ sư nghề gốm vào ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ nghề một thời đã nuôi sống dân làng... Chỉ bấy nhiêu thôi đã thấy người dân mình thủy chung, chí tình, rất trân trọng văn hóa truyền thống!”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân nhận xét.
Đi nhiều, gặp nhiều, trò chuyện nhiều nên những câu chuyện của nhà nghiên cứu cao niên kỷ - có khi thuộc vào hàng nhất nhì ở nước ta - luôn sinh động, đa chiều và thú vị. Ông đưa tôi xem danh sách tên tuổi cụ thể 92 người cao tuổi và nghệ nhân ở 10 thôn đã cung cấp thông tin tư liệu cho mình - đây là bảng phụ lục kèm theo công trình nghiên cứu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân bồi hồi kể: “Đây đều là những người tôi tìm hiểu, liên hệ trước, rồi nhờ địa phương giới thiệu, đoạn mới lên kế hoạch làm việc với họ. Tôi đi gặp hết đấy!”.
“Tôi còn điền dã thực địa, nghiên cứu được là nhờ Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hỗ trợ, được Đảng ủy, UBND xã Phước Hòa... quan tâm. Và đặc biệt là nhờ dân thương! Có những chuyến đi, để thực địa được nhiều nơi, tôi phải ở lại đến 3-4 ngày. Thương tôi già cả, mà vẫn chịu khó đi nghiên cứu, nhiều người dân đã nhiệt tình giúp đỡ. Đi cả ngày, tối về ở nhờ nhà dân, tôi được họ chăm sóc như chăm người thân, chuẩn bị sẵn nước ấm để tắm rửa, ngâm chân đỡ nhức mỏi. Hỏi han mọi nhẽ, chân tình và cảm động lắm. Tôi nhớ họ lắm!”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân xúc động chia sẻ.
Hỏi ông, nhờ vào đâu mà đến giờ vẫn còn như “cánh chim không mỏi” chao lượn trên khắp bầu trời văn hóa dân gian bao la, mênh mông như vậy. Ông Nhân thật thà bộc bạch, mình yêu và nhiệt tâm với văn hóa dân gian thật, nhưng cũng nhờ có... lương hưu với lại không chi dụng gì nhiều, thì mới đủ để trả cho nhiều khoản chi phí!
Mong để lại chút ít gì đó cho đời sau
Công trình nghiên cứu, sưu tầm của cụ Nguyễn Xuân Nhân chia làm 7 phần, hiện đã hoàn thành 4 phần với gần 150 trang A4 được đóng lại thành tập.
“Tuổi tác không ngăn được tâm huyết của tôi đối với việc chọn sưu tầm, nghiên cứu những đề tài khó. Tôi ước mong tìm lại những giá trị đặc sắc đã mất hoặc cố gắng giữ những cái sắp mất trong văn hóa dân gian...”
Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN NHÂN
Phần Mở đầu công trình giới thiệu sơ lược về thành cổ của người Chăm ở Bình Định và vai trò của Cổ thành Thị Nại. Phần II “Ký ức dân gian về cổ thành Thị Nại và vùng phụ cận thời Champa” với những huyền thoại về nguồn gốc người Chăm ở vùng Thị Nại, về thành Thị Nại, lăng nữ thần Pô Inư Nưar trong khu rừng thiêng; truyền thuyết về tháp Bình Lâm, bến tàu tượng; truyện kể về đời sống dưới thời vương quốc Champa ở vùng cổ thành Thị Nại, các nghề truyền thống của người Chăm... Phần III “Văn hóa dân gian vùng cổ thành Thị Nại từ khi người Việt vào sinh sống ở Viễn Châu” cung cấp nhiều thông tin lí thú về các ngành nghề thủ công tiêu biểu ở thời kỳ này. Có nghề truyền thống nay đã mai một, như nghề gốm của người dân thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa ra đời vào khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, làm các loại vật dụng một thời được tiêu thụ khắp vùng phía Nam Bình Định. Trong phần này còn giới thiệu sáng tác dân gian ở vùng cổ thành Thị Nại thời Đàng Trong, với những sự tích thú vị về hang Âm Phủ, chợ Cách Thử. Hòn Vọng Phu, núi Xương Cá, chùa Ông Núi... thể hiện mong muốn hoàn thiện nhân cách con người.
Ở phần IV về “Văn hóa dân gian vùng cổ thành Thị Nại thời Tây Sơn”, thể hiện công sức sưu tầm, giới thiệu nhiều truyền thuyết và giai thoại lịch sử kể về những con người, những sự việc oai hùng gắn với nhà Tây Sơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết: “3 phần còn lại của công trình sưu tầm, nghiên cứu sẽ tập trung nói về văn hóa dân gian khi người Việt vượt đầm Thị Nại lập vạn, làng, rồi thời kỳ dưới các triều đại nhà Nguyễn và Pháp thuộc, từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay... với dung lượng khoảng 100 trang A4 nữa. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành bản thảo vào đầu năm 2018, nếu không có dự án của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tài trợ, tôi sẽ tự bỏ tiền ra in khoảng 500 cuốn. Tôi mong để lại chút ít gì đó cho đời sau, để con cháu sau này biết về vẻ đẹp của truyền thống văn hóa mà người xưa đã xây đắp qua hàng thiên niên kỷ...”.
HOÀI THU