Hoạt động thanh tra: Làm gì để tránh “giẫm chân nhau”?
Gần đây, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm đối với hoạt động thanh tra là có tình trạng trùng lắp, chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được thanh tra, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN). Ông Nguyễn Văn Thơm, Chánh Thanh tra tỉnh, đã có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh về những giải pháp khắc phục tình trạng này.
Đã hạn chế đáng kể
● Công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc tăng cường trật tự, kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế...
- Đúng vậy. Trong những mặt tồn tại đó có tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp đối với các DN còn xảy ra giữa hoạt động của thanh tra các bộ, ngành với các cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của tỉnh và giữa thanh tra các sở ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của tỉnh với nhau.
Thực tế đó đã được hạn chế đáng kể từ khi có Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23.4.2014 của Thanh tra Chính phủ “Quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra” và Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 15.12.2015 của UBND tỉnh ban hành kèm theo “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập”.
Thanh tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại một siêu thị lớn trên địa bàn TP Quy Nhơn.
● Trước bức xúc của các DN, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành Thanh tra đã làm gì để hạn chế tình trạng “thanh tra xong lại thanh tra tiếp” đối với DN?
- Bên cạnh 2 văn bản đó, mới nhất, Thanh tra tỉnh cũng đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2943/UBND-NC ngày 12.6.2017 chỉ đạo các ngành, địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp đối với DN.
Thanh tra tỉnh cũng đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước khu vực 3 để cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017 nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và kiểm toán trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có văn bản trao đổi, thống nhất với Sở Tài chính về kế hoạch thanh tra DN và kiểm tra báo cáo tài chính đối với các công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Không ngừng quyết liệt
● Để xử lý tốt tình trạng “giẫm chân nhau” trong hoạt động thanh tra, nhất là đối với các DN trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16.5.2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
- Đầu tiên là tăng cường hướng dẫn, theo dõi, xử lý chồng chéo, trùng lắp ngay từ khâu khảo sát, lập kế hoạch thanh tra hàng năm đối với thanh tra các ngành, địa phương trong tỉnh. Chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao. Việc tiến hành thanh tra phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; thực hiện tốt việc kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán trước đó; hạn chế tình trạng kéo dài thời gian thanh tra. Ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định, không gây phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của DN.
Tiếp đó, thực hiện việc trao đổi thông tin với Kiểm toán Nhà nước, thanh tra các bộ, ngành Trung ương và cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra ngoài hệ thống các cơ quan thanh tra nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của các ngành, địa phương trong tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lắp; kiến nghị xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng này đối với DN.
● Được biết, thời gian gần đây, Thanh tra tỉnh đã bắt đầu áp dụng nhiều cách làm mới để hạn chế ảnh hưởng đến đối tượng được thanh tra, như rút hồ sơ của một đơn vị ở huyện An Lão về tỉnh để thực hiện. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về cách làm này?
- Từ đầu năm 2017, chúng tôi đã triển khai thực hiện thí điểm việc rút hồ sơ về tại trụ sở Thanh tra tỉnh để kiểm tra đối với cuộc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản và thu - chi tài chính tại Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện An Lão. Đến nay, cuộc thanh tra đã kết thúc; quá trình thanh tra diễn ra thuận lợi, theo đúng kế hoạch và quy định của Luật Thanh tra; được đối tượng thanh tra và các cơ quan có liên quan đồng tình, ủng hộ. Thanh tra tỉnh đã chỉ đạo Đoàn thanh tra và các phòng nghiệp vụ có liên quan tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá cụ thể thuận lợi, ưu điểm và những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp hoàn thiện quy trình để áp dụng thực hiện cho nhiều cuộc thanh tra sắp tới.
Đây là cách làm hiệu quả để hạn chế áp lực và tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra. Ở chiều ngược lại, góp phần tăng cường sự chỉ đạo, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên của lãnh đạo Thanh tra tỉnh đối với hoạt động của Đoàn thanh tra, chủ động phòng ngừa vi phạm của cán bộ, công chức thanh tra.
● Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)