Ðống rơm
* Tạp văn của LÂM KHOA
Bầu trời tháng Ba, nắng như đổ lửa trút xuống lòng chảo xóm Đậu. Không một hột gió, nhành cây thầu đâu héo hon rũ rượi chả buồn lung lay. Mùa gặt đang tất bật, rơm rạ chất đống nằm ngổn ngang trên con đường làng quanh co uốn lượn. Rơm ngút ngàn, trải vàng tăm tắp khắp lối đi, rơm chễm chệ trên cả hàng rào chè, vất vưởng trên mái chuồng bò. Rơm bịn rịn quấn theo từng vòng nan hoa xe đạp. Đâu đâu cũng một màu vàng ruộm rơm rạ ngày mùa.
Ở cái xóm Đậu bé tẻo teo này, chục nhà thì đã có đến bảy, tám nhà có nuôi bò rồi. Nên cứ đến mùa thì nhà ai cũng tranh thủ trữ rơm để làm thức ăn cho chúng. Thử bước chân vô bất kỳ nhà nào trong cái xóm này xem, đập vô mắt người khách trước tiên là cái đống rơm to chà bá như ông thần giữ cửa. Đống rơm đứng ngay góc sân, cạnh cây khế thấp lè tè, có khi đống rơm nằm chình ình bên hiên nhà, cao sừng sững sát mép chuồng bò. Ký ức tuổi thơ của tụi con nít xóm Đậu gắn bó keo sơn với đống rơm, đống rạ. Tự cái thời bé tí tị tì ti, tuổi thơ lấm lem bùn đất chúng nó gắn liền với các trò chơi dân dã, nào là dí bắt, nào là năm mười, nào là bắn bùm... Cái thời mà cơn bão công nghệ còn mải miết rong chơi đâu đó bên kia đại dương chưa kịp ập tới.
Trẻ con ngày ấy khoái rơm rạ như trẻ con bây giờ khoái chơi điện tử. Chúng nó leo tới ngọn rồi tụt thẳng xuống đất như người ta chơi cầu trượt, chúng moi cái lỗ rơm bé tẹo rồi chui vô đó nằm im rủ im ru để núp nhau những buổi chơi năm mười, hay chúng thi nhau rút từng nùi rơm cầm trên tay rồi quật nhau túi bụi những khi chơi đánh trận giả. Đứa nào học dốt bị má chửi cũng trốn ra sau, dụi đầu vô đống rơm khóc tỉ tê cả buổi chiều. Đống rơm còn là thánh đường linh thiêng chứng kiến thằng Cu Con làm lễ đám cưới linh đình với con Gái Lành. Chúng nó cưới nhau thiệt ngộ, cũng lấy tấm mùng rách trùm lên đầu con nhỏ Lành để làm màn che mặt cô dâu, thằng Cu Con cầm chùm bông khế trên tay trịch thượng, vẻ mặt nghiêm trang y như thiệt. Hai đứa cũng lâm râm chắp tay cầu nguyện, thằng Cu Lớn đóng vai ông cha xứ nghiêm nghị đọc lớn:
- Thằng Cu Con, con Gái Lành, hai đứa bay có đồng ý bên nhau suốt đời không?
Hai đứa nó đồng lòng gật đầu cái rụp, con Gái Lành chính thức làm vợ thằng Cu Con. Chúng nó cưới nhau được năm phút thì đẻ ra đứa con là thằng Đẹt, chuẩn bị diễn cảnh chồng đi cày về rửa ráy chân tay, con vợ với thằng con dọn mâm chén cả nhà chuẩn bị ăn cơm thì chú Năm ở đâu lù ra, tay lăm lăm cái roi cày rượt tụi con nít chạy te tái. Chú Năm lầm bầm, tổ cha mấy đứa nít ranh, mới tí tuổi đầu, dắt mũi chưa sạch cũng bày đặt chơi trò ngừ lớn dợ chồng, phải giũ tụi này một trận chớ không xong.
Ông Tám Xe Bò sợ vợ nổi tiếng ở xóm này. Đi đâu, làm gì cũng phải báo cho bà Tám một tiếng rồi mới dám đi, không là hổng yên với bà vợ già. Bữa nọ ổng lừa bò đi thả ngoài gò Ông Vành, tự nhiên nổi hứng bỏ ra quán ngồi uống rượu. Bò nghé không ai coi cứ phăng phăng vô hết đám đậu phụng người ta, lớp ăn lớp phá tan hoang gần nửa đám. Chủ đám cột hết bầy bò lại, kéo tới nhà mắng vốn một trận ỏm tỏi. Bà Tám sôi máu cầm cây chổi chà tính đập ông chồng hư thân kia một trận. Ông Tám Xe Bò lẹ chân vớ ngay cây đòn gánh rồi dọt thẳng ra góc sân. Bà vợ rượt theo tới bến, ông chồng mau trí chạy quần qua đống rơm, vợ đuổi chồng chạy, mà toàn vòng quanh cái đống rơm. Mà, cái kiếp chạy vòng tròn thì đố biết ai là kẻ chạy, ai là người rượt. Bà Tám la chí chóe:
- Cha già kia, đứng lại tui biểu, chuyến nầy ông chết dứ tui...
Ông Tám cũng không vừa, gào khản giọng:
- Mụ già kia, có ngon đững chạy, bữa nay không đập được bà tui hổng làm ngừ...
Cứ thế, hai mái đầu bạc quần tới quần lui quanh đống rơm như tụi con nít chơi đu ngựa, vờn qua vờn lại, la bể làng bể xóm. Bà con lối xóm xúm xít lại coi mà chả hiểu đầu đuôi cu nheo nó ra làm sao. Dui à nghen, ông Tám cầm đòn gánh, bà Tám thì cầm cây chẩu chà, ai cũng đỏ mặt tía tai, ai dí quánh ai dậy cà? Tiếu lâm không chịu được. Thành thử đống rơm vô tình cứu cho ông Tám một bàn thua trông thấy. Chớ gì nữa, nhờ chạy quanh nó mà bà con làng xóm ai đâu biết ông bị mụ vợ khú đế rượt chạy, cứ tưởng mình dạy dỗ vợ con, không thì quê chết.
Những đêm hè nóng bức oi ả, ngủ trong nhà hầm không chịu được. Tụi con nít bọn tui lại kéo nhau lên đống rơm đã cụt đọt, trải tấm bạt rồi nằm lăn quay ra đó. Chậc, sướng thí mồ tổ luôn, đống rơm phập phồng dưới lưng nằm đã hơn nằm nệm. Bầu trời thăm thẳm chi chít sao, không gợn một bóng mây, cả bọn chỉ trỏ lung tung, kia là sao Bọ Cạp, đây là sao Thần Nông, này là sao Nhân Mã, chẳng biết trúng trật đâu hết. Nhiều bữa có con bìm bịp nhớ con đậu trên đọt tre kêu từng tràng dài ai oán, tức tưởi, cả bọn giật mình nằm ôm nhau im thin thít vì sợ ma.
Nhà có con gà mái sắp đẻ, ba đều sai tui ra rút nắm rơm bỏ vô cái rổ sảo rồi treo lên nóc chuồng bò lót ổ cho nó nằm. Chị Hai mỗi bữa nấu cơm cũng ra rút vài nắm để nhen lửa. Lửa từ cục than hồng bén vô rơm bùi nhùi, nghe xèo xèo mấy cái rồi cháy phà ra, ụn lên chái bếp một luồng khói đen ngòm, cay xè con mắt...
Cũng như cái chum đất có gắn gáo dừa đã đóng rong xanh um, chứa từng ngụm nước giếng mát lạnh tới tận óc kê bên cái sạp tre đựng nồi niêu, xoong chảo; cái máy giê lúa bọn tui vẫn thường thay nhau một đứa quay quạt, một đứa thò đầu vô hộc cho mát phơi phới đang nằm im lìm dưới giàn mướp kia, đống rơm đứng ở mảnh sân trầm mặc chứng kiến bao đứa trẻ thơ xóm Đậu sinh ra, lớn lên rồi dựng vợ gả chồng. Mặc kệ mưa gió bão bùng, mặc kệ thời gian bào mòn da thịt, nó vẫn đứng đó, hiên ngang lừng lững như ngọn hải đăng ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, giữa chốn làng quê yên ả đầy ắp tiếng cười vui hào sảng. Giản đơn, bình dị mà thiêng liêng biết chừng nào.
L.K