Niềm ấm áp khi ngắm bức tranh này
Nhiều năm trước, từ một cuốn lịch của Vietcombank, tôi có dịp ngắm tác phẩm “Bữa cơm vụ mùa thắng lợi (Lụa, 1960) của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984). Nói là có dịp bởi lẽ trước đó, tôi chỉ thấy qua những tấm ảnh chụp lại khổ nhỏ. Sau này, tôi có dịp ngắm nhiều bức in lại, thậm chí sao chép khổ lớn hơn, khá trung thành, nhưng ấn tượng về lần ngắm đầu vẫn ấm áp nhất. Từ góc nhìn của một người hâm mộ bình dân, xin góp đôi điều về họa phẩm này.
Tác phẩm “Bữa cơm vụ mùa thắng lợi”.
Khi xem bức tranh, ấn tượng trước tiên là sự nhẹ nhàng, trầm ấm mà bay bổng, thanh thoát mà không xa rời thực tế. Tông màu chủ đạo ở đây là vàng rơm và nâu ấm. Bố cục được họa sĩ nén đến tối đa, bởi vậy thị giác thẩm mỹ của người xem tranh gần như lập tức tập trung vào tinh thần toát lên từ tác phẩm.
Ðó là một gia đình, tất cả các nhân vật trong tranh, mỗi người một động tác nhưng vẫn gắn kết nhau và hòa quyện đến bất ngờ. Người cha gắp thức ăn và như đang nói điều đó, bà mẹ xới và đưa bát cơm cho cậu bé, có vẻ như bà và cậu con trai đang trong một cuộc trò chuyện ngắn, ánh mắt bà rất đỗi dịu dàng. Cô con gái lớn vừa và cơm vừa quan sát cuộc trò chuyện một cách hóm hỉnh, ý nhị. Em bé còn nhỏ nũng nịu bíu lấy tay mẹ. Hậu cảnh là bồ thóc đầy, dưới chân cây rơm vàng hươm là gà mẹ đang dắt bầy con kiếm ăn.
Những chi tiết đó không rời rạc mà liền lạc nhau. Ngắm bức tranh, người ta dễ dàng nhận ra hạnh phúc đầm ấm, giản dị đang tràn trề trong gia đình nông dân ấy. Cùng với ký ức cá nhân, mỗi người còn có thể nghe thấy âm thanh từ “Bữa cơm vụ mùa thắng lợi”; có thể hình dung những chuyển động dường như đang diễn ra. Và tự lúc nào không biết, người xem thấy mình như đang cùng ở trong không gian ấy.
Tôi đã đọc, đã nghe nói rằng, Nguyễn Phan Chánh say mê vẽ về người nông dân bình dị, đầy chất lam lũ nhưng vẫn toát lên vẻ tin yêu cuộc sống. Chỉ ngắm một bản in thôi, tôi đã tin những điều đó là chân thực.
BÁ PHÙNG