Cải cách hành chính để phục vụ dân tốt hơn
Xây dựng và công khai thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết; thực hiện cơ chế một cửa - một cửa liên thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính..., có rất nhiều việc phải làm để đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, mang lại thuận lợi cao nhất cho người dân.
Từng vấn đề cụ thể đã được kiểm tra, phân tích; khuyến khích mặt mạnh, chỉ ra mặt hạn chế để tìm giải pháp khắc phục trong đợt kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) do Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh thực hiện tại 10 cơ quan, đơn vị từ ngày 17 đến 27.7.
Kiểm tra bộ phận cung cấp thủ tục hành chính của Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định.
Ghi nhận những nỗ lực
Kết quả nổi bật trong công tác CCHC của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) là giải quyết nhanh, gọn các hồ sơ tiếp nhận. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tất cả 1.824 hồ sơ tiếp nhận đều được giải quyết trong ngày. “Lượng hồ sơ rất lớn, nhưng chỉ tập trung vào vài ngày “có trăng” từ mùng 8 đến mùng 10 âm lịch khi tàu vào bờ. Do đó, chúng tôi phải tập trung lực lượng để giải quyết ngay trong ngày, tiết kiệm chi phí cho người dân ở xa”, Phó Chi cục trưởng Trần Kim Dương chia sẻ.
Hướng đến trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh
Tại các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, Ðoàn kiểm tra đều đặt ra vấn đề đẩy mạnh cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Không chỉ liên thông trong nội bộ, mà phải tiến đến liên thông giữa các đơn vị, sở, ngành. “Ðể tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, các đơn vị cần quan tâm hơn đến việc xây dựng và công khai thủ tục hành chính có đầy đủ thành phần, cắt giảm thành phần không thật sự cần thiết. Ðặc biệt, cần triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tạo thuận lợi trong hoạt động chuyên môn của cán bộ, nhân viên. Ðồng thời, chuẩn bị tâm thế để gia nhập vào trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh khi hình thành”, ông Lâm Trường Ðịnh nhấn mạnh.
Các đơn vị khác trực thuộc Sở NN&PTNT cũng có nhiều nỗ lực giải quyết đúng hạn hồ sơ tiếp nhận. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn 39 hồ sơ theo cơ chế một cửa, 24/25 hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông (trả 1 hồ sơ). Trong khi đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tiếp nhận 149 hồ sơ, nhiều nhất là hồ sơ đề nghị cấp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (89 hồ sơ). Trong đó, có 142 hồ sơ được xử lý, trả trước và đúng hạn, 7 hồ sơ đang giải quyết chưa đến hạn.
Với các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích, ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, nhất là giao dịch với khách hàng được coi là giải pháp “sống còn” để phát triển. Với 8.168 trường hợp cấp điện mới trong 6 tháng đầu năm 2017 của Công ty Điện lực Bình Định, có đến 5.868 trường hợp cấp trực tuyến, khách hàng không cần đến văn phòng công ty.
“Bên cạnh đó là 58 trường hợp được cấp điện mới qua trạm biến áp chuyên dùng do khách hàng đầu tư. Thời gian thực hiện bình quân chỉ 3,47 ngày, trong khi quy định chung của ngành là dưới 10 ngày”, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định Thái Minh Châu cho biết thêm.
Quan tâm và quyết tâm
CCHC là một hành trình dài, để đạt được mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân cần sự quyết tâm của những người trực tiếp thực hiện, nhưng cũng không thể thiếu sự quan tâm của các cấp lãnh đạo.
Trong buổi kiểm tra tại Sở NN&PTNT, ông Lâm Trường Định - Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ), Phó trưởng đoàn kiểm tra - đã đề nghị lãnh đạo Sở NN&PTNT cần quan tâm trong chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc về cơ sở vật chất lẫn nhân lực để nâng cao hiệu quả của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. “Nhiều chi cục đang sửa chữa, phòng ốc khá ngổn ngang, nơi tiếp nhận và trả kết quả chưa dễ tiếp cận đối với người dân. Chúng ta phải đầu tư đúng mức cho bộ phận một cửa, một cửa liên thông”, ông Định nói.
Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho Sở VH-TT và Sở Du lịch, khi bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa được bài trí khoa học, hợp lý. Bảng niêm yết các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Sở VH-TT nằm khuất nẻo, danh mục thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực chưa đính kèm rõ các thành phần của từng thủ tục. Tình trạng tương tự cũng được bắt gặp tại Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn. Văn thư của Công ty cũng kiêm luôn nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả (!).
Một điều dễ nhận thấy qua đợt kiểm tra CCHC đầu tiên của năm 2017 là kiểm tra gắn liền với hướng dẫn. Các cán bộ chuyên môn của Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở TT&TT và Thanh tra tỉnh đã chỉ ra những hạn chế, đồng thời hướng dẫn cụ thể các biện pháp khắc phục cho từng đơn vị. Trực tiếp kiểm tra công tác lưu trữ hồ sơ tại Chi cục Thủy sản, bà Trần Thị Thu Lượng - Phó phòng CCHC (Sở Nội vụ) ghi nhận nỗ lực của cán bộ hành chính ở đây. “Tuy nhiên, nhiều trường hợp không ghi phiếu hẹn trả kết quả. Cách làm này rất nguy hiểm, dễ dẫn đến những phát sinh không đáng có, dù lý do được đưa ra là hồ sơ, thủ tục được giải quyết ngay trong ngày”, bà Lượng phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG