Những bước tiến mới trong phẫu thuật nội soi
Nhờ thường xuyên cập nhật những thủ thuật y khoa tiên tiến cùng với việc đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, lĩnh vực phẫu thuật nội soi ở BVÐK tỉnh phát triển nhanh chóng, xử lý được nhiều trường hợp khó, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe, giảm thiểu việc phải chuyển lên tuyến trên.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh hướng dẫn trực tiếp các học viên thực hành phẫu thuật nội soi tán sỏi đường mật.
Tiếp thu nhiều kỹ thuật mới
Trong 2 ngày 27 và 28.7 vừa qua, tại Khoa Gây mê hồi sức (BVĐK tỉnh), các bác sĩ, chuyên gia của Hội phẫu thuật nội soi châu Á - Thái Bình Dương và Bệnh viện ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn cho các bác sĩ, kỹ thuật viên nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung và miền Nam những phương pháp xử lý nội soi tán sỏi đường mật và thoát vị bẹn.
Không chỉ cập nhật nhiều kiến thức mới, các học viên còn được xem, tương tác trực tiếp với chuyên gia trong những ca phẫu thuật “trình diễn”. Đây là phương pháp học khá hiệu quả, khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành.
Những lớp học chuyên về phẫu thuật nội soi ngày càng được tổ chức nhiều tại BVĐK tỉnh, với những chuyên đề khác nhau. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ cũng thường xuyên được cử đi học tập tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững những kỹ thuật khó, có thể áp dụng trong công tác điều trị.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp BVĐK tỉnh, nếu như trước đây, bệnh viện đã xử lý được những trường hợp đơn giản liên quan đến mật như cắt túi mật đơn thuần, sau đó nâng lên một bước là mở ống mật chủ lấy sỏi, đến giờ đã có thể làm được kỹ thuật khó là nội soi tán sỏi đường mật. Đây được coi là một trong những kỹ thuật có độ khó cao nhất liên quan đến các can thiệp, điều trị về mật mà thế giới đã và đang áp dụng. Sự khác biệt chỉ còn nằm ở phương diện dụng cụ, phương tiện để thực hiện kỹ thuật đó.
Kỹ thuật phẫu thuật nội soi đã được áp dụng từ hơn 10 năm qua ở BVĐK tỉnh, đến nay có khá nhiều mặt bệnh được can thiệp bằng phẫu thuật nội soi như: chấn thương khớp gối, thần kinh, lồng ngực, dạ dày, đại tràng, túi mật, phụ khoa… Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhân giảm đau đớn và hồi phục nhanh hơn so với mổ hở.
Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới
Cho đến nay, việc thiếu trang thiết bị được coi là một trong những rào cản lớn nhất cho việc áp dụng những kỹ thuật mới trong điều trị bệnh ở BVĐK tỉnh nói chung và chuyên ngành phẫu thuật nội soi nói riêng.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phú, các bác sĩ dù nắm vững được quy trình, kỹ thuật nhưng thiếu va chạm thực tế cũng rất khó đảm bảo hiệu quả khi thực hiện. Đơn cử như thiết bị ống nội soi tán sỏi đường mật khá hiện đại, cùng lúc gắn đèn soi, thiết bị gắp sỏi và tán sỏi. Nhưng vì thiết bị khá mỏng manh, dễ gãy, nên đòi hỏi người sử dụng phải có kỹ thuật, kinh nghiệm. Mỗi thiết bị như vậy hàng chục triệu đồng, nếu sơ sẩy gây hư hỏng sẽ rất tốn kém. Hiện BVĐK tỉnh sử dụng hệ thống máy nội soi tán sỏi đường mật bằng laser (thuộc dự án JICA), phù hợp với việc bắn sỏi có độ cứng; với sỏi mềm thì hiệu quả không cao bằng thiết bị tán sỏi thủy lực.
Mới đây, BVĐK tỉnh đã đưa vào sử dụng dao mổ siêu âm trong phẫu thuật cắt khối u dạ dày cho bệnh nhân ung thư. Đây cũng là một trong các thiết bị được trang bị từ dự án JICA, có tác dụng vừa cắt, vừa hàn mạch nên giúp giảm đáng kể thời gian phẫu thuật. Việc đưa vào sử dụng dao mổ siêu âm sẽ giúp khâu phẫu thuật điều trị các bệnh thuộc những cơ quan trong ổ bụng được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Dao mổ siêu âm mới được giới thiệu lần đầu tiên từ năm 2012 và các nước tiên tiến sử dụng chỉ trong khoảng 1-2 năm gần đây. Dao mổ siêu âm có giá cũng vài chục triệu đồng, nhưng hiện BHYT chưa đưa thiết bị này vào danh mục thanh toán, nên bệnh nhân phải tự chi trả. Mỗi dao mổ siêu âm có thể dùng được 4-5 lần, nếu bảo quản tốt, sử dụng hiệu quả có thể tăng thêm tuổi thọ một vài lần dùng. “Việc của chúng tôi bây giờ là phải sử dụng hiệu quả, bảo quản tốt để kéo dài tuổi thọ cho thiết bị, nhằm giúp giảm chi phí cho bệnh nhân”, bác sĩ Phạm Văn Phú chia sẻ.
LÊ CƯỜNG