Tam Quan Nam: Khổ qua phát triển tốt trên chân ruộng thiếu nước tưới
Nhằm hạn chế tối đa diện tích sản xuất lúa bị bỏ hoang trong mùa khô hạn, vụ Hè Thu 2017, Hội Nông dân xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn) đã thực hiện mô hình “Trồng khổ qua trên chân ruộng thiếu nước”, mở ra hướng sản xuất mới nhiều triển vọng.
Vườn khổ qua trong mô hình của ông Hoàng Đôn Tự.
Do nằm ở cuối hệ thống kênh mương thủy lợi sông Lại, vụ Hè Thu hàng năm, một số diện tích sản xuất lúa chân cao của xã Tam Quan Nam thường xuyên bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng tới năng suất, thu nhập của người nông dân, dẫn đến nhiều hộ bỏ ruộng hoang, gây lãng phí đất đai. Để khai thác diện tích sản xuất lúa bị bỏ hoang, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, vụ Hè Thu 2017, Hội Nông dân xã Tam Quan Nam đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình trồng khổ qua trên chân ruộng thiếu nước.
Ông Nguyễn Trọng Tốt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Quan Nam, chia sẻ: “Ban đầu, nhiều hộ tỏ ra e dè, không mặn mà, song với sự vận động tích cực của cơ sở, đã chọn được 10 hộ tham gia mô hình trên diện tích 1 ha ở thôn Trung Hóa, thời gian thực hiện từ cuối tháng 3.2017 đến tháng 7.2017”.
Bà Nguyễn Thị Thuyền, tham gia trồng 1,5 sào khổ qua trên đất ruộng, bộc bạch: “Qua các buổi tập huấn, được hướng dẫn về kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc nên tôi mạnh dạn đầu tư khoảng 5 triệu đồng/sào. Sau 40 ngày xuống giống, được cán bộ khuyến nông “cầm tay chỉ việc” cộng với thời tiết thuận lợi, cây khổ qua phát triển xanh tốt, cho thu hoạch liên tục, chất lượng trái khá đồng đều, mỗi lần thu từ 80 - 100kg/sào, cứ 2 ngày là thu hoạch 1 lần, giá bán dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg”.
Ông Hoàng Đôn Tự, Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Trung Hóa, khẳng định: “Kết quả của mô hình rất khả quan. Theo hội thảo đầu bờ, mỗi tháng bà con thu hoạch trên dưới 10 triệu đồng/sào, nhu vậy trên 1 sào của mô hình trong 4 tháng thu hoạch sẽ cho doanh thu 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người trồng có lãi từ 30-35 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với cây lúa”.
Ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, cho biết thêm: “Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình, xã sẽ tiếp tục phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT về cách trồng khổ qua và các loại rau màu khác phù hợp trên đất lúa thiếu nước, giúp bà con tận dụng, phát huy hết tiềm năng trên diện tích của mình”.
BẢO SƯƠNG - VĂN HIẾN