Hãy lắng nghe và trả lời thắc mắc của trẻ
Con trai tôi nay lên 5 tuổi, thường có những câu hỏi nhiều khi khiến vợ tôi bối rối vì không biết phải trả lời thế nào, đại loại là: Mẹ ơi, con muỗi sống bao lâu thì chết? Sao ly trà đá con đã đậy kín mít mà nước vẫn thoát ra bên ngoài?
Thay vì dành thời gian tìm ra cách giải đáp những thắc mắc của con, vợ tôi lại bảo: Hỏi tào lao hoài, cứ học cho giỏi đi rồi tự con sẽ trả lời cho mình, đi chỗ khác chơi đi. Thằng bé buồn thiu bỏ đi khi thắc mắc của mình không được giải đáp thỏa đáng.
Thực tế cho thấy hiện nay nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến vấn đề này. Khi con đặt câu hỏi không có trong bài tập, phụ huynh thường lờ đi hoặc tìm cách đẩy con sang mối quan tâm khác. Theo thời gian, cách giải quyết này sẽ khiến trẻ lười thắc mắc, kém tư duy, thậm chí là chẳng thèm quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh cuộc sống nữa. Điều đó không nhiều thì ít sẽ gây trở ngại trong việc giao tiếp, quan hệ xã hội và thành công của trẻ trong tương lai. Bởi khoa học đã chứng minh, những đứa trẻ thường xuyên vận động suy nghĩ, hay đặt câu hỏi (dù là ngớ ngẩn, theo cách nghĩ của người lớn), sẽ kích thích sức sáng tạo, tăng cường năng lực tư duy.
Vì vậy cha mẹ nên là người bạn gần gũi với con mình. Khi con có thắc mắc nên dành thời gian tìm cách giải đáp cho con. Những gì nằm ngoài tầm hiểu biết, có thể tra cứu sách báo, thông tin trên mạng hay nhờ những người có chuyên môn giải giúp. Với những trẻ đã biết đọc, biết viết nên hướng dẫn trẻ tìm đến với sách báo; rồi dần dần hỗ trợ trẻ tự mình tìm ra câu trả lời. Những câu trả lời đầu tiên có thể ngây ngô, nhưng dần dần trẻ sẽ khá hơn.
Ở lứa tuổi non nớt, những thông tin mà trẻ tò mò, đặt câu hỏi và quan tâm đến lời giải thường lưu rất sâu trong não bộ; trẻ sẽ nhớ dai và lâu. Vì vậy, để gầy dựng trí tuệ cho trẻ, phụ huynh nên nhẹ nhàng và kiên nhẫn.
NGUYỄN HOÀNG DUY