Trước vụ trồng rừng Thu Ðông 2017: “Siết” quản lý chất lượng cây giống
Nhiều năm trở lại đây, Bình Ðịnh đã trở thành “thủ phủ” của nghề ươm cây giống lâm nghiệp. Ngoài việc đảm bảo cung ứng cho người trồng rừng trong tỉnh, một lượng lớn cây giống được xuất bán cho nhiều địa phương trong nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều cơ sở không đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh cây giống lâm nghiệp nhưng vẫn hành nghề, cung ứng sản phẩm không đảm bảo chất lượng ra thị trường.
Nhiều cơ sở sản xuất cây giống không phép
Theo Sở NN&PTNT, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới và trồng rừng sau khai thác khoảng 10.000 ha, với nhu cầu cây giống lâm nghiệp (CGLN) trên dưới 20 triệu cây các loại. Nhu cầu cây giống lớn, đầu ra thuận lợi, hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) cao, nên nhiều tổ chức, cá nhân đã ồ ạt xây dựng cơ sở sản xuất giống, mở rộng vườn ươm. Tuy nhiên, vấn đề phát triển nóng các cơ sở sản xuất CGLN cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý chất lượng.
Dọc tuyến QL 19C - đoạn qua địa phận các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) - thời điểm này có hàng loạt vườn ươm, cơ sở sản xuất CGLN đang hoạt động. Bên cạnh các vườn ươm, cơ sở đầu tư xây dựng bài bản, được cấp phép, vẫn còn nhiều vườn ươm tự phát, hoạt động “chui”, sản xuất cây giống không đảm bảo quy trình kỹ thuật; chủ các cơ sở ươm giống không có chuyên môn kỹ thuật mà chỉ làm theo kinh nghiệm, nên cung cấp cho thị trường cây giống không đảm bảo chất lượng.
Một cơ sở sản xuất CGLN trên địa bàn xã Phước Thành (Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Ông Trần Văn Khổ, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vân Canh, cho biết: Qua kiểm tra, toàn huyện có trên 10 vườn ươm SXKD cây giống không đảm bảo quy trình kỹ thuật, nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Hầu hết chủ các vườn ươm này đều tận dụng diện tích đất vườn nhà để mở cơ sở, mày mò học hỏi kỹ thuật để SXKD cây giống cung cấp cho các hộ trồng rừng nhỏ lẻ, cây giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cấp phép hoạt động. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì các cơ sở tạm dừng sản xuất, đợi qua đợt kiểm tra lại tiếp tục hoạt động.
Còn tại huyện Phù Cát, qua kiểm tra có 16 cơ sở sản xuất CGLN chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Các cơ sở này tập trung tại 2 xã Cát Trinh (13 hộ) và Cát Hanh (3 hộ), SXKD cây bạch đàn, keo lai bằng hạt giống không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là 2 loại giống không được Bộ NN&PTNT cho phép kinh doanh vì thụ phấn đồng huyết dẫn đến cây thế hệ sau kém chất lượng, chậm phát triển. Đáng nói hơn, dù tồn tại đã nhiều năm nay nhưng các cơ sở này vẫn chưa hề bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý.
Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: “Mỗi khi vào vụ trồng rừng hàng năm, Phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, nhưng do thấy các hộ này kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất 150 - 200 ngàn cây giống/năm/hộ nên chỉ nhắc nhở, yêu cầu dừng sản xuất. Cái khó hiện nay trong công tác quản lý các cơ sở sản xuất CGLN là do nhu cầu trồng rừng của người dân địa phương rất lớn, trong khi các cơ sở sản xuất nhỏ này bán cây giống với giá thấp nên hấp dẫn một số người thiếu vốn sản xuất”.
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), hiện bên cạnh các cơ sở SXKD CGLN có quy mô lớn được cơ quan chức năng cấp phép; trên địa bàn tỉnh có trên 80% số cơ sở có quy mô nhỏ hộ gia đình, công suất 200 - 300 ngàn cây giống/năm, chưa được quản lý. Hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ chưa được kiểm soát chất lượng nguồn gốc giống chặt chẽ và các quy trình sản xuất chưa đảm bảo theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.
Để nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, việc quản lý, nâng cao chất lượng CGLN được coi là biện pháp quan trọng hàng đầu, là tiền đề cho hiệu quả kinh doanh rừng trồng. Nhằm siết chặt công tác quản lý các vườn ươm, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt quy chế quản lý, có biện pháp kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở SXKD CGLN kém chất lượng.
Ông Phạm Bá Nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra hoạt động SXKD và thực hiện các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực sản xuất CGLN tại các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người trồng rừng không mua, không sử dụng các CGLN không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tăng cường kiểm tra các vườn ươm, chấn chỉnh việc gieo ươm cây giống không rõ nguồn gốc; yêu cầu các chủ vườn ươm trước khi xuất bán cây giống phải thông báo đến cơ quan chức năng để được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống của từng lô cây con.
“Từ nay đến cuối vụ trồng rừng, lực lượng thanh tra, pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục kiểm tra thường xuyên hoạt động SXKD CGLN trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời có những biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các đơn vị có hành vi vi phạm”, ông Nghị cho hay.
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở sản xuất CGLN trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được trên 75,8 triệu cây giống các loại, gồm: keo lai hom trên 65,26 triệu cây, keo lai cấy mô trên 7,4 triệu cây, bạch đàn cấy mô 2,5 triệu cây, sao đen 400 ngàn cây, phi lao 110 ngàn cây, bần trắng trên 91.000 cây, mắm trên 16.000 cây, bần chua trên 8.000 cây, đước 595 cây…
NGUYỄN HÂN