Phát huy vai trò giám sát của người dân
Thời gian qua, bên cạnh hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thì người dân cũng tích cực tham gia giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, các dự án, công trình cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thành công, hiệu quả chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn. Theo đó, nhiều tuyến đường ở các vùng nông thôn được đổ bê tông khá khang trang, sạch đẹp, đảm bảo chất lượng, tạo thuận lợi cho nhân dân trong đi lại, vận chuyển hàng hóa. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện, xã hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại người dân địa phương góp công sức và một phần kinh phí. Trong quá trình thi công, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn khuyến khích nhân dân phát huy vai trò giám sát. Nhờ thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, người dân đã kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục những dấu hiệu thiếu sót, sai phạm trong khi thi công, nâng cao hiệu quả trong xây dựng đường bê tông xi măng ở nông thôn.
Nhân dân và chính quyền xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) phát hiện việc thi công đường vào xóm 7, thôn Thuận Truyền không đảm bảo chất lượng nên kịp thời khắc phục.
Đơn cử, ngày 25.7 vừa qua, thực hiện hợp đồng thi công tuyến đường bê tông xi măng ở xóm 7, thôn Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn), ông Phạm Hữu Tuấn (ở xóm 5, thôn Thuận Truyền), dùng đá 2x4 cm không đảm bảo quy chuẩn (đá nhỏ vụn và pha lẫn đá thải, bột đá) để trộn bê tông làm đường. Tuy nhiên, việc này không qua khỏi “tai, mắt” của người dân. Sau khi người dân địa phương phản ánh, UBND xã Bình Thuận ngay lập tức yêu cầu ông Tuấn ngừng thi công, thay toàn bộ lượng đá đúng quy chuẩn để đảm bảo chất lượng công trình.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết: “Người dân là đồng chủ thể và là người hưởng lợi từ chủ trương xây dựng đường bê tông nông thôn, không chỉ góp công, góp của mà còn trực tiếp giám sát quá trình thi công, nhờ vậy mới kịp thời phát hiện sai sót. Dù yêu cầu ngừng thi công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ làm đường, nhưng xã nhất quyết không du di cho sai phạm. Lâu nay, với các công trình thi công trên địa bàn xã, người dân luôn phát huy được vai trò giám sát của mình, kịp thời phản ánh lên chính quyền địa phương để chỉ đạo các đơn vị thi công khắc phục ngay những thiếu sót”.
Cũng trong tháng 7.2017, trong quá trình thi công đường bê tông xóm Chính Trạch, thôn Phổ Trạch (xã Phước Thuận, Tuy Phước), ngoài sự giám sát của chính quyền địa phương thì người dân trong xóm cũng thay phiên nhau làm công việc này. Ông Lê Ngọc Thảo, người dân ở xóm Chính Trạch, cho biết: “Để có con đường bê tông dài 400 m thì 12 hộ dân trong xóm đã đóng góp kinh phí mỗi nhà không phải là ít. Nếu người dân chúng tôi không giám sát thường xuyên, đơn vị thi công không đúng thiết kế, chất lượng không đảm bảo, đường nhanh xuống cấp thì người dân bị ảnh hưởng trực tiếp”.
Trước đó, vào năm 2016, phát huy vai trò giám sát, người dân ở xóm Thành Hạ, thôn Hữu Thành và xóm Cầu Tre, thôn Kim Tây (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) có đơn yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ dấu hiệu tiêu cực của UBND xã Phước Hòa trong chi trả tiền hỗ trợ xây dựng đường bê tông nông thôn tại địa phương. Sau khi vào cuộc kiểm tra, UBND huyện Tuy Phước phát hiện UBND xã Phước Hòa có thiếu sót như chưa rõ ràng trong việc công khai các chế độ, chính sách khi triển khai thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2012 - 2015; chưa kịp thời chi trả tiền hỗ trợ làm đường bê tông xi măng cho người dân. UBND huyện Tuy Phước yêu cầu Chủ tịch UBND xã Phước Hòa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ cho địa phương để xây dựng đường bê tông xi măng; đồng thời, phải chi trả khoản hỗ trợ làm đường cho người dân địa phương với tổng số tiền hơn 267 triệu đồng.
Năm 2015, người dân thôn Phú Hiệp (xã Cát Tài, huyện Phù Cát) cũng đã phát hiện Ban nhân dân thôn Phú Hiệp trong quá trình thi công đường bê tông Gò Soi, thôn Phú Hiệp đã bớt xén 22 bao xi măng để bán phục vụ mục đích riêng…
Có thể nói, với các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng, việc người dân trực tiếp tham gia giám sát đã giúp các ngành chức năng kịp thời phát hiện tiêu cực, vi phạm để có biện pháp kiểm tra, xử lý; bảo vệ lợi ích của nhân dân, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
C.LUẬN