Phát triển du lịch văn hóa - lịch sử ở huyện Tuy Phước: Nên sớm kết nối các điểm di tích thành tuyến
Huyện Tuy Phước là địa phương có bề dày về truyền thống văn hóa - lịch sử, có nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh đã và đang được trùng tu, tôn tạo. Vấn đề đặt ra là cần có sự kết nối các di tích để hình thành tuyến điểm du lịch nhằm phát huy giá trị di tích.
Từ những di tích đã và đang được trùng tu, tôn tạo
Cách đây 5 năm, UBND tỉnh đã cho triển khai thực hiện dự án tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia tháp Bình Lâm ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Nhờ vậy, các phần kiến trúc tháp đã được tu bổ, gia cố và phục hồi, đồng thời khuôn viên xung quanh và đường vào tháp thoáng rộng hơn. Đến cuối tháng 6.2017, Sở VH-TT tổ chức nghiệm thu kỹ thuật công trình tháp Bình Lâm, trên cơ sở đó tiếp tục có những hạng mục tôn tạo di tích.
Khuôn viên di tích cấp tỉnh Chùa Bà đang tiếp tục được đề nghị mở rộng.
Cũng trên địa bàn xã Phước Hòa, cách tháp Bình Lâm không xa, có một di tích cấp tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm của những người yêu văn chương, đó là Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu. Công trình này được xây dựng năm 1996, sau đó khoảng 10 năm huyện Tuy Phước đã đầu tư tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, Nhà lưu niệm có khuôn viên nhỏ, lại bị nhà dân phía trước che lấp phần lớn mặt tiền hướng ra sông Gò Bồi…, nên sau nhiều cuộc họp tìm cách giải quyết, đến giữa tháng 6.2017, UBND huyện Tuy Phước tiếp tục tổ chức khảo sát thực tế, với sự tham gia của các sở, ngành liên quan, qua đó thống nhất đề xuất với UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch mở rộng khuôn viên phía trước Nhà lưu niệm với tổng diện tích hơn 282 m2…
Di tích cấp tỉnh Chùa Bà ở thôn An Hòa, xã Phước Quang là địa điểm chính để tổ chức Lễ hội Đô thị Nước Mặn hằng năm, thực hiện tốt việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Dù địa phương đã thực hiện hiệu quả việc xã hội hóa để trùng tu, mở rộng nơi thờ tự và khuôn viên Chùa Bà khang trang hơn vào cuối năm 2015 (kinh phí đóng góp hàng tỉ đồng), nhưng khuôn viên di tích hiện vẫn còn chật chội so với lượng người dân và du khách rất đông trong dịp lễ hội.
Vừa qua, UBND huyện Tuy Phước đã tổ chức khảo sát, đề xuất mở rộng thêm khuôn viên sân hành lễ trước Chùa Bà với diện tích hơn 800 m2. “UBND huyện và các sở, ngành liên quan cũng đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh về việc mở thêm đường vào Chùa Bà rộng rãi hơn, đồng thời xây dựng cổng di tích phù hợp với kiến trúc truyền thống của địa phương...”, ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VHTT huyện Tuy Phước, cho biết.
Điểm qua như vậy để thấy phần nhiều các điểm di tích ở Tuy Phước đã phát huy giá trị vào thực tế khá tốt và có nhu cầu được triển khai các giai đoạn đầu tư kế tiếp.
Hướng đến “kết nối” với điểm đến mới
Tại thôn An Hòa, xã Phước Quang còn có một điểm di tích quan trọng gắn với nơi phôi thai chữ Quốc ngữ ở cảng thị Nước Mặn ngày xưa, được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định tại Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ” tổ chức đầu năm 2016. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT phối hợp với UBND huyện Tuy Phước tiến hành lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh “Nước Mặn - Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ”.
Ông Phạm Đức Tín, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý di tích tỉnh, cho biết: “Hồ sơ đề nghị công nhận di tích địa điểm nơi phôi thai chữ Quốc ngữ ở khu vực thôn An Hòa đã hoàn thành phần nội dung lí lịch di tích, hiện còn chờ các bước thủ tục về bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích để trình UBND các cấp, sở liên quan xem xét...”.
Được biết, UBND huyện Tuy Phước cũng đề ra những định hướng phối hợp tôn tạo, chỉnh trang và quy hoạch thành điểm tham quan, nghiên cứu đối với di tích này sau khi được công nhận thời gian tới.
“Nếu kết nối 4 điểm di tích tại 2 xã Phước Hòa, Phước Quang, có thể hình thành một tuyến du lịch 4 điểm dừng chỉ cách nhau chừng mười cây số với nội dung khá phong phú”
Nếu kết nối 4 điểm di tích tại 2 xã Phước Hòa, Phước Quang, có thể hình thành một tuyến du lịch 4 điểm dừng chỉ cách nhau chừng mười cây số với nội dung khá phong phú: văn hóa Champa (tháp Bình Lâm), văn chương (Nhà tưởng niệm Nhà thơ Xuân Diệu), văn hóa tâm linh (Chùa Bà), chữ Quốc ngữ (di tích Nước Mặn). “Điểm cộng” của tuyến du lịch này còn là khá gần TP Quy Nhơn, đường giao thông thuận lợi để đi đến các điểm du lịch biển, đảo đang hút khách ở các xã Nhơn Lý, Cát Tiến.
Vì vậy, cần tiếp tục có những sự phối hợp giữa sở, ngành, địa phương liên quan để khắc phục những mặt còn hạn chế, khai thác được lợi thế và tạo sự kết nối liền mạch trong thực tế, góp phần hỗ trợ giữa các di tích trong việc thu hút nhiều khách tham quan, tạo “sức bật” phát triển du lịch văn hóa - lịch sử ở Tuy Phước nói riêng và Bình Định nói chung.
HOÀI THU