Chống tham nhũng: Đảng hành động thực chất, dân sẽ vững niềm tin
Dư luận tin tưởng Tổng Bí thư sẽ lãnh đạo xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng nổi cộm, kết luận rõ ràng vụ Mobifone dùng tiền Nhà nước mua Đài AVG.
Ngày cuối cùng của tháng 7.2017, 3 thông tin thời sự thu hút sự chú ý đặc biệt của xã hội. Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tập trung, tích cực phát hiện vi phạm, đẩy nhanh xử lý và xử lý nghiêm minh các vụ án nhũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về hàng loạt sai phạm của nhiều tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý nghiêm các sai phạm đó. Và, bị can Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú.
Xu thế cả xã hội chống tham nhũng
Tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sáng 31.7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở cương vị Trưởng Ban chỉ đạo, đã đánh giá rằng, “thời gian qua, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ảnh: Xuân Dần/VOV)
Đây là đánh giá thẳng thắn, thực chất và đúng bản chất vấn đề. Điều đáng mừng là phong trào đó, xu thế đó không phải là hành động “đơn thương độc mã” của cá nhân, tổ chức nào, mà là của cả xã hội. Bởi vì, tham nhũng là một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của đất nước và chế độ. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nhận thức được nguy cơ đó và đang quyết tâm hành động. Tất nhiên, nếu chỉ dừng lại ở nhận thức và tạo lập tinh thần chung của cả xã hội chống tham nhũng, cuộc chiến này sẽ khó đạt kết quả như mong muốn. Cần một đội tiên phong dẫn đường và lãnh đạo hành động thực sự. Thực tế đã chứng minh, Đảng ta đã và đang thực sự tiên phong và hành động có hiệu quả.
Thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận nghi ngờ có tham nhũng, nhất là kiểm tra, kết luận các sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức cá nhân để xảy ra sai phạm.
Tiến độ thanh tra, xác minh các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được đẩy nhanh. Đã hoàn thành xét xử sơ thẩm đối với 4/6 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, với những mức án nghiêm khắc được áp dụng, có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, được dư luận đồng tình; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 8 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; kết thúc việc giải quyết 2 vụ án, 3 vụ việc, 16 kiến nghị thuộc giai đoạn 2 các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Văn Cử, Dương Thanh Cường, Lâm Ngọc Khuân....
Hay như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố chiều 31.7 về hàng loạt sai phạm của nhiều tổ chức, cá nhân. Trong đó, có nhiều sai phạm của: Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và một số cá nhân; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số cá nhân; Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa... Với các cá nhân sai phạm đều là những cán bộ chức sắc đã và đang giữ các cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị.
Cũng hôm qua, sau gần một năm bị truy nã, bị can Trịnh Xuân Thanh (đối tượng điều tra trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Những kết quả quan trọng bước đầu này là nhờ sự quyết liệt của Trung ương Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, mà tất cả các cơ quan vào cuộc, không có ai đứng ngoài. Nói như Tổng Bí thư là, “không thể đứng ngoài được, cá nhân nào có không muốn làm cũng không được”. Đó là kết quả của quyết tâm và hành động chống tham nhũng thực chất, không né tránh, không vùng cấm.
Sớm kết luận vụ Mobifone mua AVG
Tất nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta còn cam go, gian nan, nhưng qua những kết quả cụ thể của công tác phòng chống tham nhũng gần đây cho thấy, toàn dân ta có niềm tin vào sự mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng. Đảng quyết tâm chống tham nhũng thực sự và “Đảng thực sự đang chứng minh rằng, nói phải đi đôi với làm”.
Đơn cử, riêng vụ việc Tổng Công ty viễn thông Mobifone đầu tư một khoản tiền cực lớn để mua đài truyền hình AVG, ngay từ giai đoạn đầu (trước đại hội XII) đã có nhiều ý kiến khác nhau. Theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra nhà nước tiến hành thanh tra toàn diện thương vụ này. Dư luận nhân dân, đặc biệt là cán bộ công nhân viên trong ngành viễn thông và trong chính Mobifone đã dấy lên nhiều nghi ngờ về tính hợp lý, hợp pháp của thương vụ. Liệu nguồn vốn Nhà nước tại Mobifone đã được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tuân thủ theo đúng trình tự qui định của pháp luật và việc mua AVG đã đúng giá hay chưa? Đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc này.
Chính vì vậy, tại phiên họp hôm qua, Tổng Bí thư đã đôn đốc các cơ quan chức năng, theo đúng qui định của pháp luật, phải hoàn thành kết luận vụ việc này. Đây là một trong những trọng tâm hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng từ nay đến cuối năm.
Đây là một minh chứng sinh động, cụ thể nữa tinh thần, quyết tâm của Đảng chống tham nhũng cao độ. Nó đã được thể hiện bằng những kết quả thuyết phục như đã thấy.
Công khai, minh bạch và vai trò của Báo chí
Và một niềm tin mãnh liệt nữa mà cả hệ thống chính trị, có cơ sở để tin tưởng Đảng sẽ thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go này. Đó là tính minh bạch, tôn trọng nhân dân và coi trọng dư luận trong đấu tranh chống tham nhũng. Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng hôm qua (31.7), Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm tính công khai và phát huy vai trò của báo chí tham gia giám sát.
“Tính công khai là "thanh bảo kiếm" để chữa lành những vết thương. Sắp tới, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Dư luận nhân dân hoàn toàn tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, không một thế lực nào, không một thủ đoạn xấu xa nào có thể ngăn cản hay che đậy được việc phơi bầy các hành vi tham nhũng, tiêu cực ra ánh sáng./.
Theo Xuân Thân (VOV.VN)