Đọc “Thời gian không đổi sắc màu” của Phan Quang, thấy cần phải viết
Nhà báo lão thành Phan Quang vừa cho ra mắt bạn đọc tập phê bình và tiểu luận”Thời gian không đổi sắc màu”(nhà xuất bản Văn học).
Tập sách như một lời nhắn gửi: hãy viết khi có thể.
Đó là cảm tưởng của tôi khi đọc tập sách. Trước hết là ở cái” tâm” và cái “tình” của tác giả đối với bạn bè, đồng nghiệp. Là một nhà báo thành danh, một chính khách có uy tín trong nước và ngoài nước, nhưng Phan Quang luôn trân trọng các tác phẩm của bạn bè, của các cây bút trẻ.
Cuốn sách "Thời gian không đổi sắc màu".
Trong cuốn sách này, ngoài những bài giới thiệu những nhà văn hoá lớn như Nguyễn An Ninh "Người đánh thức một thế hệ thanh niên”; Đạm Phương nữ sử” tâm huyết vì nữ quyền”; nhà văn Ngô Tất Tố "ba tính cách trong một con người”, nhà văn Nguyễn Tuân với "Cỏ Độc Lập”; nhà văn Nguyễn Văn Bổng "Riêng tư một mảnh đời”; Nguyễn Khắc Viện với "ước mơ và hoài niệm”, Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức với tập sách "Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại”, Phan Quang còn dành những trang viết tâm huyết, tình cảm giới thiệu sách của Trần Thanh Phương (Lời cuối) – nhà sưu tầm tư liệu văn học, báo chí tâm huyết có một không hai trong lịch sử văn chương Việt Nam đương đại.
Các tập hồi ký "Đất quê hương” của Lê Văn Hoan, “Chuyện kể về một thời” của Lê Hữu Thăng đều nói về những con người trong chiến tranh ở mảnh đất Quảng Trị quê hương ông. Ngoài ra là những bài viết về tập sách của Nguyễn Hồng Vinh, Đoàn Minh Tuấn, Đặng Minh Phương, Nguyễn Xuân Lương, Nguyễn Văn Dũng, Hồ Quang Lợi, Trương Đức Minh Tứ,Nguyễn Thị Trường Giang.
Nói về các nhà văn hoá lớn, hấp dẫn đã đành. Đáng quý là việc tác giả cùng gia đình cố nhà văn Nguyễn Tuân thực hiện di huấn của cụ Nguyễn xuất bản vở kịch thơ "Cỏ Độc lập” viết xong từ cuối năm 1946. Tác phẩm đã qua kiểm duyệt "cho phép xuất bản” của ông Lưu Văn Lợi- Trưởng tiểu ban Kiểm duyệt, Ban Thông tin Tuyên truyền và Kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ. Đây thực sự là những tư liệu văn học sử rất quý cho bạn đọc hâm mộ Nguyễn Tuân và muốn tìm hiểu thêm về một tác phẩm ít được biết đến của cố nhà văn Nguyễn Tuân.
Với những nhà văn hoá lớn, những tác phẩm lớn, Phan Quang còn chăm chút cho những cuốn sách không phải ai cũng muốn đọc. Giới thiệu cuốn "Cơ sở lý luận báo chí” (NXB Lao Động 2013) của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, ông nêu những nhận xét khái quát về sự lớn mạnh của báo chí cách mạng Việt Nam những năm qua, ông khẳng định”muốn đưa nền báo chí nước ta tiến lên chuyên nghiệp cao hơn…nhất thiết càng phải đào tạo, nâng cao đội ngũ nhà báo có bản lĩnh và ngang tầm thời đại. Nói đào tạo là nói giáo trình…Đọc giáo trình của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn văn Dũng cũng như một số giáo trình khác tình cờ tiếp nhận được, bao giờ tôi cũng cảm nhận mình vừa học thêm được nhiều điều mới…giá mà mình có cơ hội được học sớm những điều này ngay khi vào nghề, có phải đỡ tốn biết bao thời gian và công sức mày mò.”
Trong lời thưa ở đầu cuốn sách, Phan Quang bộc bạch” Đọc sách là dịp cho tôi suy ngẫm về nghề và nghiệp”…Nhân đọc những trang hồi ký của Lê Hữu Thăng(Chuyện kể về một thời), ông định nghĩa” Viết hồi ký là chép lại dưới cái nhìn của hôm nay, hồi ức của mình về những người ta đã gặp, đã cùng ta chia sẻ trên bước đường đời, là thuật lại những việc mình từng chứng kiến, trải nghiệm với vui mừng hay trăn trở…
Viết hồi ký rốt cuộc là kể chuyện mình, là từ đôi mắt của mình mà nhìn nhận lại thực tại đã qua, mà bình tĩnh nhớ lại những sự kiện hồi nào nóng hổi, mà cảm nhận con người toàn bích hơn khi ta vừa thoạt gặp…”Đọc tập sách”Tôi nói bằng mồm tôi”(NXB Hội Nhà văn) của nhà báo Phạm Quốc Toàn, ông đề cập đến cái nhanh nhạy của làm báo, nhìn ra những”thông tin thời sự”, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của 5 chữ W của báo chí hiện đại. Ông khen: không ít bài trong cuốn sách bàn chuyện vi mô hay vĩ mô, vẫn có người, sự kiện, thời gian, không gian rành rọt.
Theo mạch tư duy của Phan Quang, điều đó đòi hỏi bản lĩnh của người cầm bút. “Chữ Tâm” là điều mà Phan Quang đề cập nhiều trong nhiều bài viết của ông trong tập sách này.
Cũng lan man chuyện nghề nghiệp và thể loại, trong bài”Một Weekend ở Điện Biên Phủ”, ông nêu câu hỏi: Thế nào là một bài bút ký báo chí hay? Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ kịp thời, vì vậy như nhiều người nay vẫn nói, thông tin phải nhanh, đúng, trúng, hay.
Riêng tôi muốn đặt đúng,trúng lên đầu, dù vẫn biết có nhanh mới hút được khách, có nhanh mới có thể góp phần định hướng dư luận.Luận bàn về chữ”nhanh” trong báo chí,Phan Quang dẫn dắt người đọc đến việc báo Pháp Le Monde kỷ niệm 65 năm ngày ra số đầu, tuyển chừng trăm bài bút ký, phóng sự hay hơn cả trong tổng số các bài đã in trên hơn hai mươi vạn số báo. Ông cung cấp một chi tiết: trong số 104 bài được tuyển, chủ đề về Việt Nam chiếm năm. Bài đầu về cuộc chiến chống Pháp tại châu thổ sông Hồng năm 1953 của Jean Lacouture.
Bài cuối của Jean de La Gueriviere về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975. Lược thuật lại hai bài báo, Phan Quang đã giúp các nhà báo trẻ hiểu thêm “thế nào là một bút ký báo chí hay” cũng như cái gọi là”nhanh”hay”chậm” của một bài báo.
Nhận mình là người đam mê đọc sách”sách dở sách hay, gặp là tôi đọc”. Ông thưa vậy. Bởi thế, trong tập sách mang cái tên rất hay”Thời gian không đổi sắc màu” này, Phan Quang đã cống hiến cho bạn đọc những kiến thức tuyệt vời về GIẤY và SÁCH. Trong phần”Người bạn muôn đời” mở đầu tập phê bình- tiểu luận, bài đầu tiên nhan đề”Sách không chỉ là tập giấy”và bài thứ hai”Văn minh loài người hình thành từ sách”, Phan Quang thống kê hàng loạt những định nghĩa xưa và nay về SÁCH,nguồn gốc và sự phát triển của CHỮ, và công cụ để in chữ thành sách v.v. Ông rút ra nhận xét: hình như chức năng chủ yếu(và cao quý) của sách cho đến nay chưa hẳn được tất cả những người thường xuyên tiếp cận và sử dụng sách cảm nhận trọn vẹn. Ông nhấn mạnh: Nói sách là thể xác, chữ là trí tuệ và tâm hồn, bởi một thể xác vắng trí tuệ và tâm hồn thì không phải là người, và ngược lại, tâm hồn và trí tuệ không thể hiện trong thể xác thì chỉ có thể là thần linh mà thôi. Những trang ông viết về SÁCH và CHỮ vừa có sự uyên thâm của kiến thức, vừa có sự hóm hỉnh của “người kể truyện dân gian”.Và người kể chuyện dân gian ấy, đã giới thiệu rất sâu về một số tác phẩm của người nước ngoài viết về Việt Nam cũng như việc quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Cam Pu Chia... Đồng thời, giúp bạn đọc Việt Nam hiểu thêm về một số tác giả và tác phẩm thuộc loại”kén người đọc” như Gabriel Garcia Marqueez...
Học giả Nguyễn Hiến Lê khi bàn về văn hoá đọc, nhận xét” trong sách chi chi cũng có”. Tập phê bình-tiểu luận” Thời gian không đổi sắc màu” của Phan Quang thuộc dạng sách như vậy. Đọc xong tập sách, tôi cũng muốn làm một việc theo gương ông , là điểm lại những điều mình thích thú để giới thiệu với những người yêu sách và đọc sách nói chung, với những người yêu thích văn chương Phan Quang nói riêng./.
Theo Thanh Vũ (VOV)