Trẻ vị thành niên phạm tội: Lỗi chính thuộc về cha mẹ
Có nhiều lý do khiến thiếu niên trở thành tội phạm, song nguyên nhân chính và sâu xa là sự lơi lỏng quản lý của gia đình. Phiên tòa lưu động mà TAND TP Quy Nhơn tổ chức tại xã Nhơn Hải ngày 1.8, một lần nữa cho thấy trách nhiệm chính của các bậc cha mẹ trong việc theo sát, quản lý, giáo dục con cái.
Quang cảnh phiên tòa.
Gia đình thiếu sâu sát
Cả 2 bị cáo trong vụ án này đều chưa đủ tuổi thành niên. Tại thời điểm phạm tội, cả 2 mới chỉ 15 tuổi, tuy nhiên hành vi cướp giật tài sản mà 2 bị cáo gây ra hết sức nghiêm trọng.
Chỉ trong 2 ngày, 17 và 18.4.2017, Nguyễn Văn T. và Phạm Văn V. (cùng SN 2001, xã Nhơn Hải) đã thực hiện trót lọt 3 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn TP Quy Nhơn, với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt trên 13 triệu đồng. Điều đáng nói, 2 bị cáo đều có hoàn cảnh khá đặc biệt.
T. mồ côi mẹ, sống với ba, vì mưu sinh nên cả tháng cha con mới gặp nhau. Do thiếu sự theo sát của gia đình nên T. bỏ học từ lớp 7 rồi đua đòi, nhiều lần trộm cắp vặt tại địa phương. V. tuy vẫn còn cha mẹ nhưng phải sống với ngoại từ năm lên 4 tuổi, bởi cha mẹ mỗi người đều có cuộc sống riêng.
Vì phạm tội ở tuổi chưa thành niên nên hai bị cáo cần có người giám hộ. Tuy vậy, cha của T. không dự khán mà ủy quyền cho chú. Tại tòa, người chú chia sẻ: “Tôi biết cháu hư hỏng nên cũng có khuyên răn, nhưng vì cháu không ở cùng gia đình, nên việc quản lý khó mà sâu sát”. Trong khi đó, mẹ của bị cáo V. lại đổ lỗi cho hoàn cảnh: “Vì hoàn cảnh riêng nên tôi không sống với cháu. Tôi hoàn toàn không hay biết con mình hư hỏng hay chơi với ai”. Lời giải thích của người giám hộ của 2 bị cáo làm tôi chợt nhớ đến truy vấn ngược của mẹ một bị cáo vị thành niên, bị TAND tỉnh xét xử về tội cố ý gây thương tích. Khi thẩm phán hỏi mẹ bị cáo: “Chị thấy hành động của con chị có nguy hiểm không?”, thay vì trả lời, mẹ của bị cáo hỏi lại tòa: “Có ai muốn con mình hư hỏng, phạm tội không, thưa tòa?”. “Vậy tại sao gia đình không giáo dục con em mình tốt hơn?”. Mẹ bị cáo thản nhiên trả lời: “Tôi đâu thể theo nó suốt ngày, do nó chơi với bạn xấu nên mới như vậy!”.
Tuy chỉ mới 15 tuổi, song 2 bị cáo đã tính toán rất kỹ trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Chiếc xe máy dùng làm phương tiện đi cướp giật cũng là do trộm cắp mà có, đã được tháo biển số. Đối tượng mà bọn chúng hướng tới là phụ nữ đi một mình, mang theo túi xách. Tại tòa, T. khai: “Vì V. chạy xe cứng hơn nên V. cầm lái, còn bị cáo ngồi sau, đợi xe áp sát đối phương thì dùng dao cắt quai xách, giật rồi bỏ chạy. Giật tài sản của nữ vì khả năng truy đuổi theo khó thành”.
Trẻ cần được quan tâm, giáo dục
Tuy 8 giờ phiên tòa mới bắt đầu, nhưng người dân xã Nhơn Hải đã đến nhà văn hóa xã từ sớm để xem xử án. Họ quan tâm vụ việc, không chỉ bởi nó diễn ra tại xã mà đối tượng gây án cũng là con em của địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hải, nói: “Địa phương đã làm văn bản xin tòa phối hợp tổ chức phiên tòa lưu động, một phần để tuyên truyền giáo dục pháp luật, răn đe thanh thiếu niên có nguy cơ phạm tội; đồng thời nhắc nhở những bậc làm cha mẹ quản lý con em mình tốt hơn. Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật như sử dụng chất kích thích, trộm cắp tài sản diễn ra tương đối nhiều trên địa bàn xã. Chúng tôi mong rằng phiên tòa sẽ tác động mạnh đến người dân, để mỗi người có ý thức sống và làm việc theo pháp luật”.
Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) chỉ ra rằng, 46% người phạm tội xuất thân từ những gia đình phức tạp, có bố mẹ, hoặc anh chị em là những người có tiền án tiền sự, làm nghề phi pháp, 18% gia đình bố mẹ ly hôn và 14% sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp. Do vậy, yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con trẻ. Nói như vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, thì hành vi phạm pháp của các em, trách nhiệm trước hết thuộc về các bậc làm cha làm mẹ. Từ sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, đến khi con trẻ phạm tội, họ mới giật mình ân hận thì sự cũng đã rồi. Như lời trần tình của mẹ bị cáo V. tại tòa: “Ngày hôm nay, khi nghe tòa và cháu nói chi tiết về hành vi phạm tội, tôi thật sự thấy sai nhiều lắm. Tôi đã thiếu sót trong việc theo sát con. Hành vi cướp giật tài sản của cháu quả thật ngoài sức tưởng tượng của gia đình, chúng tôi không thể ngờ tới”.
Chính sự không ngờ này mà tương lai của các em đã sang hướng khác. Bản án 18 tháng tù giam dành cho mỗi bị cáo cũng chính là bản án lương tâm dành cho các bậc làm cha mẹ.
K.ANH