Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020:
Ðưa tỉ lệ thất nghiệp chung về 2,5%
UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình giải quyết việc làm tỉnh giai đoạn 2016-2020 với các giải pháp trọng tâm: Phát triển KT-XH, cho vay vốn, xuất khẩu lao động, phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Mục tiêu chính là khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về người lao động ở địa phương, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.
Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động (80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ), hàng năm thu hút thêm từ 10.000 đến 15.000 lao động vào làm việc. Trong rất nhiều giải pháp giải quyết việc làm của tỉnh, chính sách tạo việc làm từ phát triển KT-XH được đặt lên hàng đầu.
Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
- Trong ảnh: Người lao động tham gia phiên phỏng vấn xuất khẩu lao động sang Nhật Bản tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Nhiều nỗ lực
Giai đoạn 2011-2015, hệ thống dịch vụ việc làm của tỉnh hàng năm đã tư vấn nghề, việc làm cho 25.000 - 30.000 lượt người/năm; qua đó, cung ứng việc làm cho khoảng 3.000 người. Sàn giao dịch việc làm đã tăng tần suất và chất lượng các phiên giao dịch, tạo cơ hội cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo tiếp cận thông tin thị trường lao động. Riêng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, bình quân mỗi năm tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm tại văn phòng Trung tâm và 4 điểm vệ tinh ở các huyện; 12 phiên ở các huyện, thị xã, thành phố.
Trở về từ TP Hồ Chí Minh, anh Lê Đức Hùng, 27 tuổi, quê ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn, tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm kiếm thông tin việc làm. Thông qua phiên giao dịch, anh được một công ty ở KCN Nhơn Hòa nhận vào vị trí nhân viên bảo trì điện. Anh cho biết: “Tôi tìm thông tin trên mạng, nghe bạn bè giới thiệu liền tìm đến phiên giao dịch việc làm. Nhờ có kinh nghiệm nên được tuyển dụng ngay”.
Trong khi đó, hơn 80,9 tỉ đồng vốn vay giải quyết việc làm của tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức đoàn thể, chính trị trong giai đoạn 2011-2015 cũng góp phần tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động mỗi năm.
Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, có 1.815 lao động đã đi làm việc tại nước ngoài; trong đó, chiếm số lượng lớn là thị trường Nhật Bản (407 lao động), Hàn Quốc (267 lao động). Nhiều vùng quê nghèo, đơn cử như 2 xã Ân Tường Tây và Ân Tín (huyện Hoài Ân) đã thay đổi hẳn nhờ vào xuất khẩu lao động.
Anh Nguyễn Trọng Quốc (ở thôn Phú Khương, xã Ân Tường Tây), một trong những thanh niên đi làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc, nhấn mạnh: nhờ xuất khẩu lao động, những thanh niên như tôi có số vốn ban đầu để lập nghiệp, mặt khác có thể giúp đỡ cha mẹ những lúc khó khăn.
Tạo việc làm từ nội lực
Tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 7.500 doanh nghiệp hoạt động ổn định trên địa bàn, qua đó, mỗi năm tạo thêm khoảng 15.000 chỗ làm mới cho người lao động.
Bên cạnh thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gắn liền với chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch; công tác đào tạo nghề với các hình thức đa dạng, phù hợp với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, thị trường trong và ngoài tỉnh là mấu chốt. Công tác xuất khẩu lao động cũng được quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ người có nguyện vọng đi cũng như người hoàn thành hợp đồng lao động trở về nước, và cho cả doanh nghiệp làm dịch vụ này. Kèm với đó là các giải pháp về vay vốn, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, khuyến khích hộ gia đình giải quyết việc làm...
Theo khảo sát và dự báo tại Chương trình giải quyết việc làm tỉnh, giai đoạn 2016 đến 2020, toàn tỉnh sẽ thu hút khoảng 140 - 160 ngàn lao động. Nhu cầu lao động tăng mạnh trong giai đoạn triển khai các dự án FDI và ổn định khi các dự án này đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, đồng nghĩa người lao động trong tỉnh đứng trước sự cạnh tranh việc làm đối với lao động ngoài nước và cơ hội việc làm rộng mở ở các nước khác. Trước cơ hội và thách thức, bản thân người lao động cần phát huy nội lực, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng để giải bài toán việc làm cho chính mình.
Ðến cuối năm 2015, tỉ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị của tỉnh chiếm 3,9%.
Mục tiêu cụ thể giải quyết việc làm tỉnh giai đoạn 2016-2020 là:
- Giải quyết việc làm cho 28.000 - 32.000 lao động/năm.
- Tỉ lệ thất nghiệp chung đến năm 2020 là 2,5%.
- Cơ cấu lao động đến năm 2020: 36% lao động ở lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp; 34% ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; 30% ở lĩnh vực dịch vụ.
- Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng tỉ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm lên khoảng 35%.
NGUYỄN MUỘI