Bảo hiểm tai nạn lao động với lao động tự do
Hơn một năm trước, nhóm 4 thợ cơ khí của anh Đỗ Văn L. (31 tuổi, ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) gặp tai nạn điện trong lúc thi công. Hậu quả, 1 người thiệt mạng, 3 người còn lại đều mang nhiều thương tật vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sức lao động. Do tỉ lệ thương tật chưa đủ để hưởng chế độ bảo trợ xã hội của Nhà nước, tất cả các nạn nhân đều là lao động tự do, không tham gia BHXH nên không ai có thêm bất cứ khoản hỗ trợ nào để vượt qua khó khăn trước mắt.
Nếu lao động làm việc theo hợp đồng lao động được hỗ trợ về mặt thông tin, chế độ và quyền lợi từ tổ chức công đoàn, thì phần đông lao động tự do không được gì. Mặt khác, chính họ cũng chủ quan, thờ ơ về bảo hiểm tai nạn lao động.
Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực từ ngày 1.7.2016 đã quy định người lao động làm việc không theo hợp đồng có quyền tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.
Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có thể tổ chức dưới 2 hình thức là BHXH tự nguyện và bảo hiểm thương mại. Hiện nay, bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động đã được các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe. Tuy nhiên, do là bảo hiểm thương mại, lao động tự do (trong đó phần lớn là lao động nghèo) khó tham gia.
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi Nghị định, các lao động tự do nên tìm cách tự bảo vệ mình.
AN PHƯƠNG