Nứt tường xây bằng gạch không nung: Do nhiều nguyên nhân
Thời gian gần đây, một số công trình xây dựng sử dụng gạch không nung xảy ra hiện tượng nứt tường. Tuy nhiên, nguyên nhân được chỉ ra không đơn thuần chỉ nằm ở chất lượng gạch mà cần phải hiểu rõ hơn cơ chế liên quan đến nứt tường xây bằng gạch không nung, từ đó, có cách sử dụng đúng và khắc phục hiệu quả.
GKN sản xuất tại HTX Sản xuất đá xây dựng Bình Đê (huyện Hoài Nhơn).
Nứt tường có thể xảy ra với bất kỳ vật liệu nào
Gạch không nung (GKN) bắt đầu được đưa vào sử dụng tại tỉnh Bình Định vào năm 2015, chủ yếu ở các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, vừa qua, một vài địa phương trong tỉnh phản ánh có hiện tượng nứt tường tại một số công trình xây bằng GKN. Tuy nhiên, không có số liệu thống kê cụ thể, bởi chủ đầu tư của những công trình này đã yêu cầu nhà thầu khắc phục. Qua kiểm tra chất lượng công trình, Sở nhận thấy các công trình đã được nhà thầu khắc phục sự cố không còn vết nứt khi nghiệm thu.
Tại một hội thảo do Mạng kiểm định xây dựng khu vực phía Nam tổ chức ở TP Quy Nhơn vào ngày 21.7, theo ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng Phòng thí nghiệm LAS 749 thuộc Trung tâm Thông tin và dịch vụ xây dựng - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, sự nứt gãy trong khối tường xây xảy ra nhiều trong xây dựng, bất luận tường được xây bằng vật liệu gì. Kỹ sư Trần Tiến Đệ, đến từ Công ty CP Kiểm định xây dựng Sài Gòn, cũng đồng quan điểm khi cho rằng “nứt tường là hiện tượng thường gặp trong các công trình xây dựng. Nó có thể xảy ra đối với tất cả các loại vật liệu làm tường như bê tông, gạch nung hay GKN”.
Có nhiều nguyên nhân
Về nguyên nhân nứt tường xây GKN, ngoài việc chất lượng gạch không đảm bảo, các chuyên gia trong ngành xây dựng còn chỉ ra hàng loạt thủ phạm khác như lỗi thiết kế và thi công, hiện tượng gạch co ngót hoặc giãn nở do thay đổi độ ẩm, nhiệt độ, cấu tạo của viên gạch... Ông Trần Viết Bảo đưa ra một số ví dụ, tường xây trên sàn có độ võng lớn thì dù sử dụng GKN loại nhẹ, chất lượng cao vẫn xảy ra hiện tượng nứt tường. Vữa xây không đúng tiêu chuẩn cũng làm giảm khả năng liên kết và gây nứt. Nền móng và kết cấu yếu thì cả tường GKN lẫn tường gạch nung đều nứt.
Để kiểm tra chất lượng GKN, bằng trực quan, người tiêu dùng có thể kiểm tra khuyết tật của viên gạch như độ cong vênh, vết sứt vỡ ở góc cạnh, vết nứt... Các phòng thí nghiệm chuyên ngành thường đánh giá 3 chỉ tiêu quan trọng về tính chất cơ lý là cường độ (mác gạch), độ hút nước, độ thấm nước. “Riêng tại Bình Định, Sở Xây dựng đã tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng GKN của 7 cơ sở sản xuất đã công bố hợp quy và công bố giá sản phẩm. Kết quả kiểm định cho thấy, các sản phẩm GKN đều đạt mác yêu cầu của gạch xây. Tuy nhiên, một số mẫu không đạt mác chất lượng theo công bố của các đơn vị (mác 5 daN/cm2, mác 7,5 daN/cm2)”, ông Bảo cho biết.
GKN có nhiều ưu điểm vượt trội nên cả thế giới đã và đang sử dụng loại vật liệu thân thiện với môi trường này. Tuy nhiên, nó cũng không thể tránh khỏi nhược điểm. Điều cốt yếu là nắm rõ những nhược điểm của nó, đặc biệt là nhược điểm gây ra hiện tượng nứt tường vốn có thể dự đoán trước được. Từ đó, có thể phát huy lợi thế của gạch và khắc phục hiệu quả các khuyết điểm thay vì nghi ngại về chất lượng và không tin tưởng sử dụng GKN.
Hiểu rõ để khắc phục
Theo ông Bảo, để phòng ngừa việc nứt tường xây GKN, khi thiết kế phải tính đúng, tính đủ tải trọng. Móng cột, móng tường phải đảm bảo độ lún cho phép. Chọn GKN đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu của thiết kế; quy cách gạch phải phù hợp. Vữa xây phải phù hợp từng loại GKN. Gạch xi măng cốt liệu đòi hỏi vữa xây sử dụng cát có mô đun độ lớn từ 1,4 - 2,0. Cát sông ở một số khu vực của tỉnh ta có mô đun độ lớn trên 2,5 nên không phù hợp dùng làm vữa xây GKN. Riêng gạch bê tông nhẹ phải sử dụng vữa riêng đúng tiêu chuẩn. Kỹ thuật xây cũng rất quan trọng, mạch vữa phải đảm bảo lấp đầy cả mạch ngang và mạch đứng. Chiều cao khối xây phải phù hợp với tiến độ xây và thời gian ninh kết của vữa.
Trường hợp các vết nứt tường đã xảy ra thì tùy từng loại vết nứt sẽ có cách xử lý khác nhau. Nếu nứt lớp trát do vữa trát co ngót thì chỉ cần sơn lại hoặc đục lớp trát để trát lại. Nếu nứt tường do yếu tố kết cấu thì cần quan sát chu kỳ 1 năm để xem sự phát triển của vết nứt theo thời gian như thế nào nhằm xác định chính xác nguyên nhân. Từ đó, có biện pháp xử lý thích hợp và trong trường hợp này, việc xử lý phải do người có chuyên môn thực hiện mới hiệu quả.
TỐ UYÊN