Bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn:
Tăng cường tuyên truyền gắn với kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Thời gian qua, tình trạng xả rác thải, nước thải ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT). PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ðặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT, về vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) khu vực nông thôn.
* Xin ông cho biết về công tác BVMT và tình hình ÔNMT khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Công tác BVMT và tình hình môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Trong đó, nổi lên là vấn đề: ÔNMT ở khu dân cư, ven các tuyến đường tỉnh lộ; ÔNMT trong chăn nuôi; ÔNMT ở các làng nghề truyền thống, khu vực ven biển; ÔNMT trong sản xuất nông nghiệp…
Nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đúng mức công tác BVMT, như chưa lập hồ sơ môi trường, chưa xây dựng công trình xử lý chất thải, hoặc công trình xử lý chất thải không đảm bảo... Nhiều cơ sở chưa xây dựng hầm biogas mà cho nước thải chảy vào các hồ chứa không chống thấm. Phần lớn các cơ sở đều sử dụng nước thải để tưới cây, gây phát tán ô nhiễm.
Phân tích nước thải tại các gia trại, trang trại cho thấy nước thải sau khi xử lý qua biogas hoặc tồn trong các hồ chứa đều vượt tiêu chuẩn. Đáng lưu ý, một số địa phương, trong đó có các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn còn xảy ra tình trạng vứt xác gia súc, gia cầm chết bừa bãi, gây ÔNMT.
Bên cạnh đó là tình trạng ÔNMT do sử dụng và vứt bừa bãi bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tình trạng ÔNMT tại các làng quê ven biển do xả rác, phóng uế bừa bãi; tình trạng xả rác tại các làng quê ven các tuyến tỉnh lộ…
Một hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên một cánh đồng ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước). Ảnh: X.THỨC
* Trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, phát triển, cùng với một số nghề mới; song người dân làng nghề cũng ít chú trọng BVMT, dẫn đến vấn nạn ÔNMT ở các làng nghề. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nằm trong khu dân cư, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn… nên gây ÔNMT, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Có thể đơn cử như làng nghề đúc kim loại (TX An Nhơn), chế biến tinh bột mì (ở huyện Tây Sơn và Hoài Nhơn), các làng nghề nấu rượu, làm bún… Ở xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn), mặc dù những cơ sở chế biến bột mì có xây dựng bể lọc và ống dẫn chất thải, song tình trạng ÔNMT ở đây vẫn không cải thiện đáng kể. Thậm chí, qua quan trắc môi trường tại làng nghề chế biến tinh bột mì ở Hoài Hảo cho thấy, nước thải tinh bột mì ở đây với hàm lượng chất hữu cơ, axit, nitơ, phốt pho, vi sinh vật, xyanua… đều vượt so với quy chuẩn.
Tương tự là tình trạng ÔNMT ở làng nghề bún - bánh thuộc xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn). Tại đây, nhiều cơ sở sản xuất bún - bánh không có hệ thống xử lý nước thải, thậm chí mỗi ngày có hàng trăm mét khối nước thải xả trực tiếp ra môi trường, gây nên tình trạng ÔNMT.
* Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
- Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nhận thức và ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, BVMT. Công tác tuyên truyền về pháp luật BVMT ở nhiều địa phương, đơn vị chưa được triển khai sâu rộng đến người dân.
Tuy nhiên, một phần cũng do điều kiện của nhiều địa phương còn nhiều khó khăn nên công tác BVMT còn hạn chế. Tỉ lệ thu gom rác khá thấp, trung bình chỉ 10 - 20% số hộ. Còn lại người dân tự chôn lấp, đốt. Một số địa phương gặp khó trong việc thực hiện dịch vụ thu gom rác thải vì người dân không hợp tác, không chịu đóng phí hàng tháng… Điều đáng lo ngại là nhiều huyện chưa có bãi rác, hoặc chỉ có bãi rác tạm, xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp không đúng theo quy định.
* Vậy để chấn chỉnh tình trạng ÔNMT ở nông thôn cần phải có biện pháp gì, thưa ông?
- Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND “Về việc tăng cường công tác BVMT nông thôn trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố; các hội, đoàn thể… tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Riêng đối với chức năng của mình, Sở TN-MT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp BVMT, xử lý chất thải trong hoạt động chăn nuôi; các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khu vực nông thôn. Tăng cường hỗ trợ các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về BVMT đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh- dịch vụ có nguy cơ gây ÔNMT. Chú trọng công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về BVMT trong hoạt động chăn nuôi heo. Triển khai quan trắc chất lượng môi trường tại các khu vực có hoạt động chăn nuôi tập trung, các bãi rác tạm và các vùng canh tác nông nghiệp lớn của tỉnh để đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, xử lý ÔNMT.
Sở TN-MT cũng xin kiến nghị: Thực thi pháp luật BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể cần chung tay, tăng cường tuyên truyền đến người dân, nhất là khu vực nông thôn; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)