Sửa chữa, khắc phục tàu vỏ thép bị rỉ sét, hư hỏng: Các doanh nghiệp đang thực hiện theo cam kết
Nhiều ngày qua, Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương đã đưa 12 tàu cá của ngư dân lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn) để sửa chữa. Theo đánh giá của ngành chức năng, các cơ sở đóng tàu đã có nhiều nỗ lực thực hiện phương án sửa chữa, khắc phục tàu cá bị hư hỏng.
Công ty TNHH MTV Nam Triệu sơn sửa vỏ tàu cá của ông Trần Kim Trung (ở xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn).
Đẩy nhanh tiến độ
Tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, trong số 12 tàu cá vỏ thép của ngư dân được kéo lên đà, nhiều tàu cá đã được làm sạch, phun sơn, sửa chữa chân vịt, tháo gỡ máy, không khí lao động rất khẩn trương.
Chỉ tay về tàu cá BĐ 99678 - TS vừa được sơn lại, ông Nguyễn Ảnh, ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn), cho biết: Nhiều ngày qua, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư đẩy nhanh tiến độ sửa chữa tàu cá. Đến nay, vỏ tàu và chân vịt tàu của tôi đã được sơn sửa xong. Công ty cũng đã tháo dỡ máy cũ chuẩn bị lắp máy mới và tiến hành sơn sửa lại hầm bảo quản. Với tiến độ như hiện nay, khoảng 10 ngày nữa tàu của tôi sẽ được sửa xong và hạ thủy để kiểm tra. Theo tôi, tiến độ như vậy là được”. Tàu cá của các ngư dân: Nguyễn Công Đồng, Phan Lùn, Lê Hoài Thanh, Trần Kim Trung, Mai Trường cùng ở xã Hoài Thanh cũng đang được sơn, sửa lại.
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho hay: “Sau khi kéo 6 tàu cá của ngư dân xã Hoài Thanh và 1 tàu cá của ông Lê Ngô Hát, ở xã Cát Khánh (Phù Cát) lên đà, đơn vị đã triển khai ngay phương án sửa chữa, khắc phục đã được tỉnh và ngư dân thống nhất. Đối với việc xử lý vỏ tàu bị rỉ sét, đến nay công ty đã làm sạch vỏ tàu, bắn cát, phun xong 5 lớp sơn tàu của ông Ảnh và đang tiếp tục sơn tàu của ông Trần Kim Trung. Riêng tàu của ông Lê Ngô Hát, đã sửa xong hệ lái, vây giảm lắc và khắc phục 1 máy phát điện bị nước biển làm hỏng, đồng thời bắn cát, phun sơn vỏ tàu. Đối với việc khắc phục hầm bảo quản, hầm lưới, đến nay đã tháo xong sàn đáy, vách mạn tàu và tháo bộ tôn bọc vách, sau đó làm sạch, sơn hầm bảo quản, lót và bọc gỗ, phun xốp cách nhiệt 4 tàu của các ngư dân: Nguyễn Ảnh, Nguyễn Công Đồng, Trần Kim Trung, Mai Trường. Trong tuần lễ đầu tháng 8, 6 máy mới hiệu Mitsubishi sẽ được lắp ráp trên 6 tàu cá của các ngư dân ở xã Hoài Thanh.
Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cũng đã kéo 5 tàu cá của các ngư dân: Mai Văn Chương - xã Cát Hải và Trần Minh Vương - xã Cát Tiến (Phù Cát); Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Mạnh ở cùng xã Mỹ Đức và Võ Tuân, ở xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ) lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan để sửa chữa.
Cơ sở đóng tàu đã thuê Công ty giám định Vinacontrol phối hợp với cơ quan đăng kiểm tàu cá của Bộ NN&PTNT, Tổ giám sát kỹ thuật của tỉnh, chủ tàu và đại diện chính quyền địa phương tiến hành lấy 10 mẫu thép phần mạn và đáy tàu của 5 tàu cá này đưa đi kiểm định chất lượng. Hiện các bên đang chờ kết quả kiểm định mẫu thép để tiến hành sửa chữa.
Tàu cá của ngư dân đã được Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đưa lên đà tại cơ sở đóng tàu của Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn) để sửa chữa.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Ông Lê Tuấn Anh, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Đăng kiểm (Bộ NN&PTNT), cho biết: Chúng tôi luôn có mặt tại hiện trường để kiểm tra, giám sát vật liệu, chất liệu, máy móc trước, trong và sau khi DN sửa chữa tàu cá. Phần việc nào xong sẽ được đánh giá, có sự tham gia của Tổ giám sát kỹ thuật của tỉnh và ngư dân, nếu đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu. Thực tế cho thấy, các cơ sở đóng tàu đã thực hiện nghiêm túc quy trình sửa chữa và khắc phục tàu cá.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cũng nhìn nhận, các cơ sở đóng tàu đã có nhiều nỗ lực thực hiện phương án sửa chữa tàu cá bị hư hỏng. Đối với vấn đề thay thế, sửa chữa vật liệu vỏ tàu, Sở NN&PTNT đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã trả lời, nội dung: Vật liệu đóng tàu và máy chính, máy phụ, các trang thiết bị được sửa chữa, thay thế phải đồng bộ, phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt, thỏa mãn các quy phạm kỹ thuật về tàu cá và các quy phạm kỹ thuật có liên quan. Riêng về vật liệu vỏ tàu phải đạt tối thiểu thép cấp A theo quy định của Bộ GTVT.
Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã làm việc với 5 chủ tàu cùng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để cùng bàn bạc phương án giải quyết. Kết quả, ngư dân và doanh nghiệp đã thống nhất phương án không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A; chỉ kiểm tra, thay thế những phần thép Trung Quốc không đạt cấp A bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A và công ty sẽ trả tiền chênh lệch giá trị thép cho ngư dân.
PHẠM TIẾN SỸ