Thoát nghèo nhờ phát triển nghề truyền thống
Ðó là bà Trần Thị Công, chủ cơ sở sản xuất các loại trống, đồ gỗ nội thất và chạm trỗ đồ thờ Hiệp Công, ở thôn Lộc Khánh, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát. Nhờ khôi phục và phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại, bà đã thoát nghèo và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.
Bà Công làm da để bịt trống. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Trước đây, gia đình bà Công thuộc diện hộ nghèo. Được Hội Phụ nữ xã tín chấp, bà Công vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo từ NHCSXH huyện Phù Cát để mua bò về nuôi. Nhờ tích cực chăm sóc nên đàn bò của gia đình bà phát triển tốt. Tuy nhiên, nhận thấy việc chăn nuôi bò chậm có lãi và không khai thác hết sức lao động của gia đình, bà Công suy nghĩ tìm hướng đi riêng để thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Bà Công quyết định bán hết đàn bò (được 45 triệu đồng) sau 2 năm nuôi, và vay mượn thêm của người thân để khôi phục và mở rộng nghề truyền thống của gia đình - là nghề làm trống và đồ gỗ nội thất. Có trong tay nghề làm trống, đồ thờ, đồ trang trí các loại do cha ông để lại, cộng với việc chủ động tìm hiểu, khai thác các nguồn nguyên vật liệu có chất lượng..., nên cơ sở của bà có được đơn hàng làm trống cho các chùa, đình trong và ngoài địa phương.
Với phương châm lấy chất lượng, uy tín làm đầu và giá thành hợp lý nên sản phẩm của cơ sở Hiệp Công được khách hàng ưa chuộng, nhiều nơi biết đến; hiện sản phẩm có mặt ở nhiều đình, chùa, trong và ngoài tỉnh, đến tận Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk...; chủ yếu là các loại trống như trống chiến, trống chầu, trống sấm; các đồ gỗ nội thất như bàn ghế, đồ thờ, ốp trần, sàn gỗ...
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, bà Công thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu tạo ra các mẫu mã mới, đa dạng hóa các sản phẩm làm ra... Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở bà luôn được khách hàng hài lòng và tín nhiệm, có đơn hàng liên tục. Có thu nhập, bà đã trả hết tiền vay, mượn và đầu tư mua sắm máy móc, nguyên vật liệu mở rộng cơ sở sản xuất. Đến nay, gia đình bà Công không những đã thoát nghèo mà bà còn trở thành hộ khá giả ở địa phương.
Cơ sở của bà Công còn tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động là thợ mộc trong và ngoài xã, với mức thu nhập từ 250 - 300 ngàn đồng/người/ngày; đồng thời còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn; góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế của địa phương.
TRƯỜNG GIANG