Không phải kết quả xét nghiệm nào cũng được liên thông
Sẽ chỉ chọn ra những kết quả xét nghiệm có chỉ số ổn định để liên thông với kết quả của những phòng xét nghiệm có chất lượng tương đương.
Các bệnh viện trung ương đã chính thức liên thông kết quả xét nghiệm.
Sau 1 tháng triển khai chủ trương liên thông kết quả xét nghiệm của Bộ Y tế, đến nay, 38 bệnh viện tuyến trung ương đã chính thức chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Tuy nhiên, vấn đề mà người dân quan tâm là khi nào kết quả xét nghiệm của bệnh viện tuyến dưới được tuyến trên chấp nhận? Những loại xét nghiệm nào thì được liên thông kết quả?
Chị Ngô Thị Hồng, 40 tuổi ở thôn 2, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội bị bệnh nhiễm trùng huyết vừa được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương sáng 3/8. Nhờ có việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân này đã không phải làm lại 5 loại xét nghiệm, chiếu chụp gồm: xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, khí máu, xét nghiệm dịch não tủy và chụp CT sọ não.
Chị Ngô Thị Anh, em gái bệnh nhân Ngô Thị Hồng cho biết: “Khi được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, chị gái tôi không phải làm lại 1 số xét nghiệm, tính ra cũng đỡ tốn hơn 2 triệu đồng, một khoản tiền không nhỏ đối với những người nông dân như chúng tôi. Trước đây cứ chuyển từ bệnh này sang bệnh viện khác là lại lo phải làm lại xét nghiệm, phải chờ đợi lâu, phiền hà, tốn kém”.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, việc công nhận kết quả xét nghiệm đã được bệnh viện thực hiện từ lâu, nhưng không phải xét nghiệm nào cũng được công nhận vì có những kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Việc công nhận kết quả xét nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào uy tín, chất lượng phòng xét nghiệm của bệnh viện mà bệnh nhân chuyển đến hoặc có trường hợp sự nhạy cảm của các bác sĩ điều trị sẽ quyết định khi hội chẩn. Thực tế điều trị những ca sốt xuất huyết nặng thời gian gần đây, có trường hợp kết quả siêu âm tim của bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới là Bệnh viện Tim Hà Nội đã được các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương công nhận.
Theo các bác sỹ đầu ngành, kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người, máy móc và hóa chất rất quan trọng. Nhiều trường hợp, phòng xét nghiệm được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn nhưng có thể sau một thời gian máy móc bị hỏng hoặc không được bảo dưỡng kịp thời thì kết quả xét nghiệm rất có thể sẽ sai lệch. Do vậy, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng xét nghiệm cần được thực hiện thường xuyên. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương Vũ Bá Quyết cho rằng: "Khi liên thông kết quả xét nghiệm thì các phòng xét nghiệm phải đạt chuẩn. Các phòng xét nghiệm cũng phải được nội kiểm, kiểm chuẩn để kết quả xét nghiệm được chính xác”.
Hiện nay, đa số bệnh nhân chuyển viện từ tuyến tỉnh, tuyến huyện lên tuyến trung ương phải làm lại nhiều kết quả xét nghiệm, rất tốn kém. Theo lộ trình của Bộ Y tế, đến đầu năm 2018 mới liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; tức là từ năm sau mới liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện tuyến tỉnh cùng hạng 1 với nhau và giữa bệnh viện tuyến tỉnh hạng 1 với tuyến trung ương.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: “Trong xét nghiệm, chỉ số xét nghiệm rất nhiều, lên đến hàng trăm chỉ số. Có những chỉ số xét nghiệm, từ sáng đến chiều kết quả có thể sẽ thay đổi. Do đó, bệnh viện chúng tôi căn cứ vào danh mục 65 loại xét nghiệm mà Bộ Y tế cho phép sẽ chọn ra những kết quả có chỉ số ổn định để liên thông với kết quả của những phòng xét nghiệm có chất lượng tương đương. Khó khăn lớn nhất đặt ra là việc nội kiểm, ngoại kiểm vì nước ta chưa có phòng xét nghiệm nào chuẩn để tham chiếu và hiện vẫn có những chỉ số xét nghiệm chúng tôi phải gửi ra nước ngoài để làm”.
Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí đánh giá và xếp hạng chất lượng các phòng xét nghiệm của các bệnh viện, gồm 5 mức: rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và chưa xếp hạng. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống kiểm chuẩn quốc gia, tiến hành kiểm tra về máy móc, hóa chất, nhằm đảm bảo chất lượng các xét nghiệm khi liên thông.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hàng năm, các bệnh viện thực hiện gần 500 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vi sinh và tăng lên 10% mỗi năm. Trong khi đó, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm tiết kiệm được 375 tỷ đồng: “Kinh phí chi trả cho xét nghiệm hiện nay không phải là ít. Nhìn nhận lại thực tế xét nghiệm thì cũng thấy có những kẽ hở cho việc lạm dụng, thậm chí lãng phí. Ví dụ, một bệnh nhân ở Bệnh viện A chuyển sang Bệnh viện B lại phải làm lại các xét nghiệm. Như vậy, rất tốn kém, thậm chí gây mất nhiều thời gian, bỏ lỡ cơ hội điều trị cho bệnh nhân”
Chất lượng xét nghiệm giữa các bệnh viện và giữa các tuyến điều trị nhìn chung chưa đồng đều. Chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và còn hạn chế ở các bệnh viện tuyến dưới. Theo lộ trình, đến năm 2025, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ được thực hiện ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Tuy nhiên, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn thuộc về bác sĩ trong những trường hợp cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn điều trị.
Theo Văn Hải (VOV)