Nỗi niềm sĩ tử!
Trong mấy ngày qua, những thông số liên quan đến kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ đợt 1 năm nay đã gây nên nhiều luồng dư luận khác nhau đối với thí sinh và người thân. Mặc dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn, nhưng việc mức điểm chuẩn của nhiều trường, nhiều ngành học tăng vọt so với năm trước, đã khiến cho nhiều thí sinh dù thuộc diện “gạo trên sàng” vẫn bị “ngã ngựa” một cách ấm ức với không ít những nỗi niềm!
Đây là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng không giới hạn trước khi thi và được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi. Theo các “nhà thiết kế” của kỳ tuyển sinh năm nay, với cải tiến hơn so với năm trước bằng việc cho thí sinh đăng ký tối đa nguyện vọng, cơ hội trúng tuyển đại học của các em sẽ rất cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều thí sinh đã bị trượt cả 3-4 nguyện vọng đã đăng ký vì không lượng đúng sức mình, hoặc phán đoán sai về tình hình đăng ký xét tuyển của năm nay. Ngay cả việc được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi nhưng nếu thí sinh không xác định chính xác năng lực, sở trường để điều chỉnh nguyện vọng thì chưa hẳn đã có cơ hội để trúng tuyển vào ngành mình yêu thích.
Mặt khác, việc chọn học ĐH, CĐ hay học nghề cũng là điều cần phải được mỗi thí sinh cân nhắc hết sức cẩn trọng, tham vấn kỹ càng trước khi quyết định, không nên chọn vào ĐH chỉ để lấy bằng, còn mọi việc thì tính sau (!). Theo số liệu thống kê, hàng năm tại các trường ĐH có hơn 10% sinh viên bỏ học sau khi nhập học để thi lại vào các trường khác vì cảm thấy không phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Việc “chọn nhầm” trường hay ngành học như vậy không chỉ lãng phí về thời gian, chi phí cho gia đình và xã hội mà còn làm mất đi cơ hội của bản thân thí sinh.
Bên cạnh đó, việc đua chen vào các trường danh tiếng để... “lấy tiếng” đã khiến cho không ít thí sinh phải “ngậm ngùi” vì tự mình làm mất cơ hội trúng tuyển của chính mình. Cũng với nguyện vọng chọn học ngành mà mình đam mê, nếu thí sinh chọn đúng trường ở tốp phù hợp với năng lực ngay từ đầu thì cơ hội trúng tuyển gần như là chắc chắn, và kết quả sẽ là ngược lại nếu chọn sai.
Ngoài ra, cũng cần phải thấy rằng việc học ĐH không hẳn là một “cánh cửa vào đời” duy nhất của mỗi người. Nếu có đam mê để theo đuổi, có hoài bão để nuôi dưỡng và có quyết tâm thực hiện đam mê, hoài bão thì vẫn có thể theo đuổi, nuôi dưỡng nó ở các môi trường khác. Nhiều người không vào ĐH, CĐ mà chọn trường nghề vẫn thành công trong lập thân, lập nghiệp khi trở thành những người thợ lành nghề, đầu bếp danh tiếng...
Mùa tuyển sinh vẫn đang tiếp tục, những thí sinh dù đã bị trượt ở nguyện vọng 1 thì vẫn còn có những cơ hội khác để tìm cho mình một lối đi phù hợp với nguyện vọng và đam mê của mình. Tại sao không?
H.Đ