Người đàn ông và chiếc xích lô - Truyện ngắn của LÊ THỊ XUYÊN
Ngày ngày, người dân xóm chợ vẫn thấy ông Thái cần mẫn bên những vòng quay xe xích lô nặng nề chở hàng qua lại trên đường. Bóng ông xiêu vẹo tạc vào hanh hao, đơn độc.
- Ông Thái ơi! Dừng xe uống miếng nước cái đã! Giọng mời chào đon đả của một người phụ nữ ngồi trước nhà giáp chợ khiến người đàn ông lưng trần rám nắng, độc mỗi cái quần kaki lửng đã ngả màu nâu sờn đang thu toàn bộ sức người vào đôi chân đen nhẻm, gắng dấn chân đạp xe, trên xe là cả đống bao bắp cải, khoai tây chậm chạp tiến vào cổng chợ, chợt ngoái nhìn sang nói:
- Cảm ơn chị! Ðể lát nữa chở hàng xong, tôi ghé. Nói rồi, tay ông giơ lên quệt ngang hai hàng mồ hôi lã chã ở trán và hai hõm má. Bóng ông khuất dần phía cuối con đường.
- Ây dà! Ông Thái thật tội nghiệp. Già cả rồi, lẽ ra được nghỉ ngơi, ai dè vẫn cứ phải lầm lụi. Người đàn bà nãy giờ nhìn theo chiếc xe đến khi nó chỉ còn là một cái chấm đen hòa vào dòng người tấp nập trong chợ rồi vừa chép miệng, vừa lắc đầu nhìn sang người đàn bà bên cạnh như phân trần.
- Cách đây hơn mười năm, vợ ổng bỏ đi chỉ vì khổ quá. Ðạp xích lô mà, lấy gì mà khá. Ðến người còn không mấy ai còn đi xích lô, ổng phải chở hàng độ nhật. Ðã vậy lại còn nuôi bà mẹ già gần chín mươi nữa. Già cả, lẩm cẩm và hay càm ràm lung tung cả ngày. Người đàn bà đối diện đáp chuyện.
- Ðược đứa con trai, nuôi ăn học thành người, chưa được nhờ thì nó lại đâm đầu chạy theo đứa con gái nào ấy trong Sài Gòn. Mấy năm nay biệt dạng luôn! Thiệt là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không biết đâu mà lần nữa!
***
Chiếc xích lô lọc cọc từ trong chợ đi thẳng ra đường cái, xe không nên ông Thái cứ lúc lúc lại cứ như nhảy nhổm lên mỗi khi vượt qua ổ gà, ổ vịt. Dáng người cao, gầy, nước da đen bóng và nổi đầy cơ do lao động nặng nhọc. Da mặt ông xô vào nhau như những con sóng gối đầu. Ông có đôi mắt thẳm sâu của người kinh qua sóng gió nhưng nét cười vẫn đong đầy, vững chãi, bình thản. Chắc là ông cũng quen rồi với những nhọc nhằn.
Phố Hàng Bè. Tranh của ĐỖ MẠNH CƯỜNG
Dừng lại trước nhà người đàn bà bán nước bên đường, ông ngồi uống hết một cốc nước chè lá, rồi lại lên xe về.
Ông Thái vốn ít chuyện, đặc biệt là chuyện mình thì lại càng kín kẽ. Mỗi khi có người hỏi han, ông chỉ cười cười, đáp chiếu lệ, phải phép. Thành ra lâu ngày người trong xóm, và cả ở ngõ chợ cũng thôi, không hỏi thăm nữa. Có chăng chỉ thăm chừng bà cụ.
Ngôi nhà mái ngói nhỏ xíu của ông lọt thỏm giữa mấy ngôi nhà cao tầng. Nhưng may nhờ còn có gốc xà cừ cổ thụ um tùm tỏa bóng nên cũng bớt vẻ côi cút. Hướng về người đàn bà ngồi thẫn thờ trên cái ghế gỗ màu mun, mái tóc trắng phau, chắn ngang vai, khuôn mặt buồn rười rượi, ông nhẹ nhàng lên tiếng:
- Mẹ à! Nhà cửa mà sao bày đồ đạc khắp nơi thế này. Vẫn câu nói cửa miệng ấy mỗi khi về đến nhà, ông không ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng bày ra trước mắt mình vì nó đã rất quen thuộc từ mấy năm nay.
- Hề hề! Mày đi làm về rồi à. May mà hôm nay bà còn nhận ra đứa con trai của mình. Chứ như mọi ngày, bà vẫn thường hỏi: Ðứa nào đấy? Ăn trộm à? Cút, cút đi! Nào quần áo, nào mùng màn, nào gối, nào bô đựng nước đái lẫn lộn, vung vãi khắp nơi. Ông Thái im lặng thu dọn lần lượt rồi xắn tay vào bếp nấu ăn.
Hơn mười năm nay, từ khi vợ bỏ nhà đi chỉ vì không chịu nổi cảnh nghèo, ông Thái vẫn an phận với nghề đạp xích lô. Mấy năm đầu còn có việc, người này ra chợ, kẻ nọ vào viện chẳng hạn. Mà phần đông cũng chỉ những người già. Tầm trung niên đã không còn muốn lên xích lô, vả lại giờ xe máy rất sẵn, nên ông mất khách dần. Ðến khi thị xã có taxi thì coi như ông đuối hẳn. Thành ra bây giờ chủ yếu ông chở hàng, cũng còn những mối quen ra vào chợ, hàng đến tận quầy, rồi thì người ta cũng còn chở ít vật liệu xây dựng, dọn nhà… Tằn tiện tiêu pha cũng đủ mẹ con ông quấy quá qua ngày. Cũng may trước lúc nghề đạp xích lô thoái trào, ông đã kịp nuôi thằng con ăn học. Thế nhưng, nó cũng phụ công lao của ông khi bỏ nhà theo con gái người ta. Mà thôi, ông cũng chưa một lần trách móc. Ðến người vợ đầu ấp tay kề dứt áo ra đi mà ông còn không trách, thì có lẽ đâu lại trách con. Cứ nghĩ đến đó, ông lại trách mình mới oái oăm chứ. Ông trách ông hồi trai trẻ không chịu học lấy một cái nghề cho tử tế…
Cơn mưa rào đầu hè bất chợt khiến bước chân ông chùng chình. Chiếc xích lô được ông Thái cột chặt trước nhà bằng cái dây xích đã gỉ sét lặng lẽ dưới mưa. Nước mưa giọt ngắn giọt dài lộp độp trên thùng xe. Ðôi mắt đục ngầu của ông nhìn bâng quơ vào trận mưa đang xối xả vào dòng người vội vã trên đường. Quá khứ, hiện tại lại đổ về bỏng rát trong trái tim ông.
“Tôi chẳng thể chịu nổi cảnh sống như thế này mãi ông à. Tôi với ông lấy nhau chẳng ai có nghề nghiệp gì, chỉ làm mướn thôi nên chỉ sinh mỗi một thằng con mà lúc nào cũng bấn lên vì thiếu. Cứ lui cui mãi thế này thì chẳng biết lúc nào mới ngẩng cái mặt lên được. Tôi đành ra đi. Làm vậy là có lỗi với ông, với mẹ chồng nhưng biết làm sao bây giờ. Tôi viết những dòng này để lại mong ông hiểu và đừng tìm tôi làm gì!”. Ông Thái nhớ như in những dòng chữ viết vội nhưng cũng cố nắn nót của vợ mình để lại trước khi dứt áo. Mấy năm đầu, thỉnh thoảng ông lấy ra vuốt phẳng phiu, rồi đọc. Thì thầm từng chữ một cho riêng mình nghe. Rồi ông thuộc luôn từng chữ. Ðến hồi thằng con ông lớn lên, ông cất kỹ trên gác xép. Mỗi lần nhớ, ông cứ thầm nhẩm lại những con chữ kia. Lá thư dứt áo thoạt đầu cũng như vò như xé ông. Thì người chứ có phải gỗ đá đâu mà không đau. Nhưng chẳng biết tự bao giờ, rồi ông chỉ còn trách mình thôi. Lại thấy thương cho người đàn bà đáng thương kia. Cũng tội chứ, sống với nhau từng ấy năm, mà đã bao giờ ông mua cho bà ấy cái gì đâu. Khổ quá mà. Chạy ăn từng bữa, có đâu mà nghĩ tới nhau nữa.
Cũng vừa mới nguôi nguôi thì thằng con ông đành đoạn xách ba lô vọt lên xe khách. “Sau này, con sẽ trả ơn ba. Còn bây giờ, xin ba hãy cho con được lựa chọn cuộc sống riêng của mình”.
Ông biết nó cũng chẳng vui vẻ gì khi quyết định như vậy. Nhưng vì cái thai trong bụng đứa con gái kia, thành ra… Nhớ tới con, ông lại chép miệng, thì nó làm vậy cũng là có trách nhiệm, là thằng đàn ông đấy chứ!Trong Nam dễ sống hơn nên nó vậy, chứ nếu ngoài này mà ổn định, thong thả có khi nó cũng dắt mẹ con con bé kia về với ông lâu rồi. Thảng hoặc thì nó cũng điện thoại hỏi thăm bà nội, hỏi thăm ông. Nhưng xem chừng nó cũng cực!
Mấy hôm nay, không thấy ông Thái đi chở hàng. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, ông Thái đang ngồi bên giường đút từng muỗng cháo cho mẹ mình. Bà cụ trở bệnh. Có tiếng người đưa thư đầu ngõ gọi vọng vào nhà:
- Nhà có thư nghe!
Ông bần thần. Chẳng biết là ai gửi thư. Bao nhiêu năm nay có ai thèm gửi thư từ gì. Chắc có sự nhầm lẫn. Thế nhưng mắt ông sững sờ khi chạm vào cánh thư có tên người gửi: Nguyễn Thị L... là vợ ông. Ông mở vội và lấy ra tờ giấy, chăm chú đọc: “Sài Gòn ngày.... Ông Thái!.... Sau hơn mười năm sống nơi đất khách, tôi thấy mình đã sai khi bỏ đi. Tôi nhận ra gia đình mới là chỗ dựa lớn nhất trong cuộc sống. Tôi và con muốn trở về nhưng lại sợ ông không chấp nhận, thế nên tôi mới viết mấy dòng này xin ý kiến ông...”.
Nước mắt của người đàn ông ngoài 60 tuổi bỗng chực trào như một đứa trẻ. Nhìn quanh ngôi nhà lạnh lẽo thiếu vắng bàn tay vợ cả chục năm trời, lặng đi trước người mẹ già lẩn thẩn, đang nằm co ro trên giường, khuôn mặt ông giãn nở, ánh lên một nụ cười nhẹ nhõm như đang trông đợi một điều tốt đẹp sắp đến với mình. Cả buổi tối hôm ấy, ông đã ngồi viết thư cho vợ.
L.T.X