Bài toán thu nhập - giá cả
Gần đây, giá điện, giá than tiếp tục được điều chỉnh tăng khiến giá cả một số mặt hàng rục rịch tăng theo. Cùng với đó là tình hình mưa bão kéo dài, khiến giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng mạnh. Thậm chí có mặt hàng không liên quan đến thời tiết như sữa cũng đang được người bán nâng lên chỉ vì nhà cung cấp yêu cầu tăng giá…
Trên thực tế, theo các tính toán thì tác động trực tiếp của giá xăng, giá điện tăng thêm như vừa qua lên chi phí sản xuất là không cao. Tuy nhiên, tác động “tâm lý” của giá xăng, giá điện đến nhà sản xuất và người tiêu dùng thì lại… rất cao. Việc tăng giá một số mặt hàng trong thời gian gần đây chính là hệ quả của hiệu ứng tâm lý này. Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh tăng giá hàng hóa, dịch vụ khi giá cả đầu vào là xăng, điện tăng theo kiểu “té nước theo mưa”.
Điều dễ nhận thấy là thu nhập của đại đa số người làm công hưởng lương thời gian gần đây chưa có sự cải thiện, nếu không muốn nói là có chiều hướng giảm. Đối với công nhân làm việc trong các nhà máy, mức thu nhập hiện không tăng so với trước do tình hình thiếu việc làm, phải giãn ca hoặc làm việc cầm chừng; còn với công chức, viên chức thì mức tăng lương từ đầu tháng 7 cũng không đủ bù trượt giá. Vì vậy, việc giá tăng đã tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của bộ phận chiếm số đông trong xã hội là những người có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều người buộc phải cắt giảm chi tiêu, khiến cho sức mua trên thị trường càng thêm đuối, kéo theo sản xuất cũng đình trệ theo.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương, ban ngành, doanh nghiệp thực hiện biện pháp kiểm soát giá. Theo đó, các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tình hình để tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật hoặc tăng giá dây chuyền khi yếu tố hình thành giá không có biến động lớn. Đây là động thái cần thiết vì hiện nay nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại trong những tháng cuối năm, thời tiết mưa bão diễn biến phức tạp có thể tác động đến giá một số mặt hàng thiết yếu, nếu các đơn vị, cá nhân “lợi dụng tình hình” thì sẽ tác động xấu đến an sinh xã hội.
Thực hiện biện pháp kiểm soát giá theo yêu cầu của Bộ Tài chính là cần thiết để giữ vững thị trường, hạn chế tăng giá các mặt hàng thiết yếu, mà trên hết là giữ ổn định mức sống của đại đa số người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Để thị trường vận hành suôn sẻ, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng phải song hành với việc tăng thu nhập cho người dân. Có như vậy mới giải quyết được bài toán giữa thu nhập và giá cả, kích thích sức mua, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng hóa làm ra. Do đó, về lâu dài Nhà nước phải tính toán tăng thu nhập cho người dân, nhất là đối với người làm công hưởng lương.
Công Thương