Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Đồng bộ, tinh gọn
Tại kỳ họp thứ 4, HÐND tỉnh khóa XII vừa thông qua Nghị quyết số 74/2017/NQ-HÐND ngày 14.7.2017 về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN là một bước triển khai Luật GDNN nhằm phù hợp chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương, trong vấn đề này, quan điểm của tỉnh ta như thế nào?
- Quan điểm của tỉnh ta là quy hoạch lại theo ngành nghề, theo 3 cấp trình độ, đẩy mạnh xã hội hóa. Tỉnh không thành lập mới mà chỉ nâng cấp, sáp nhập các cơ sở GDNN hiện có, khuyến khích Trung tâm tư thục có vốn đầu tư; tái cấu trúc lại mạng lưới theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh; thực hiện đào tạo đa trình độ, đa ngành nghề, tăng cường liên kết với các cơ sở giáo dục uy tín ở một số ngành nghề mà các cơ sở GDNN trong tỉnh chưa đáp ứng được.
* Tổng thể cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ như thế nào, thưa ông?
- Năm 2016, tỉnh ta đã thực hiện sáp nhập 3 trung tâm dạy nghề (An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ) vào Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp cấp huyện, đổi tên thành Trung tâm GDNN – GDTX. Đồng thời đổi tên và bổ sung chức năng nhiệm vụ của 8 Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp cấp huyện khác thành Trung tâm GDNN - GDTX.
Giai đoạn 2017-2018, bổ sung nhiệm vụ đào tạo nghề Du lịch vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định và sẽ đổi tên thành Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bình Định
Giai đoạn 2019-2020, thực hiện sáp nhập 3 Trung tâm GDNN trực thuộc các hội đoàn thể (Trung tâm GDNN và Giới thiệu việc làm Thanh niên Bình Định, Trung tâm GDNN Hội LHPN tỉnh, Trung tâm GDNN và Hỗ trợ nông dân tỉnh) vào Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định, đổi tên thành Trường Trung cấp Kỹ thuật tổng hợp Bình Định; đồng thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn và truyền nghề. Mặt khác, nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Định thành Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Định khi đủ điều kiện.
Trong chủ trương quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, các nghề trọng điểm cấp độ khu vực, quốc tế được ưu tiên đầu tư.
- Trong ảnh: Nghề Điện tử công nghiệp tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn là nghề trọng điểm cấp độ quốc tế.
Như vậy, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 19 cơ sở GDNN, gồm 4 trường Cao đẳng, 3 trường Trung cấp và 12 Trung tâm GDNN.
Giai đoạn 2021-2030, tổng thể các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh sẽ như sau: các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện chuyển chức năng GDTX về các trường THPT, chuyển chức năng hướng nghiệp về các trường THCS và THPT. Trung tâm GDNN-GDTX các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, Phù Mỹ vào Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn. Trung tâm GDNN-GDTX các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn sáp nhập vào Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định. Các Trung tâm GDNN-GDTX các địa phương còn lại sáp nhập vào Trường Trung cấp Kỹ thuật tổng hợp Bình Định.
Đến năm 2030, toàn tỉnh có 8 cơ sở GDNN. Gồm 4 trường Cao đẳng (Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ, Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Cao đẳng Y tế Bình Định, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Định); 3 trường Trung cấp (Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn, Trung cấp Kỹ thuật Tổng hợp Bình Định và Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bình Định), 1 Trung tâm GDNN (Trung tâm GDNN Công đoàn Bình Định).
* Thưa ông, như vậy đâu là giải pháp nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực trong giai đoạn mới?
- Bên cạnh các giải pháp trong quản lý nhà nước về GDNN, tỉnh ta tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý bằng cách đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn; thực hiện chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù với nhà giáo; huy động nhà khoa học, nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi... tham gia vào giảng dạy. Đối với các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế, sẽ tiếp nhận và sử dụng chương trình, giáo trình dạy nghề tiên tiến phù hợp với lao động Việt Nam.
Tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý bằng cách đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn.
- Trong ảnh: Hội giảng giáo viên GDNN cấp tỉnh là sân chơi chuyên môn bổ ích, góp phần nâng cao năng lực giáo viên.
Các giải pháp về xã hội hóa GDNN được chú trọng. Đáng chú ý là thực hiện chuyển từ cơ chế cấp kinh phí chi thường xuyên hằng năm theo dự toán sang cơ chế Nhà nước đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ với các cơ sở GDNN công lập trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng đầu ra không phân biệt hình thức sở hữu.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư các trường được công nhận trường chất lượng cao, trường đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế đến năm 2020; chú trọng các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nghề nặng nhọc, độc hại khó tuyển sinh nhưng thị trường lao động đang thiếu. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các công ty liên doanh, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực GDNN.
Mặt khác, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết đào tạo với sử dụng lao động; khuyến khích doanh nghiệp thành lập cơ sở GDNN hoặc tổ chức dạy nghề tại doanh nghiệp; đẩy mạnh việc mời doanh nghiệp vào quá trình giảng dạy, chấm thi tốt nghiệp. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN, từng bước tiếp thu, chuyển giao công nghệ đào tạo nhân lực chất lượng cao.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)