Chương trình tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai:
Làm quen với việc tự chi trả
Việc triển khai tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai (PTTT) vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa thay đổi thói quen chủ động sử dụng, lựa chọn PTTT từ phía người dân.
Bình Định đã giảm tỉ suất sinh từ 20,9‰ (năm 1999) xuống còn 16,4‰ (năm 2012). Theo đó, số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng giảm từ 2,5 con xuống còn 2,23 con. Chương trình TTXH PTTT đã được triển khai tại Bình Định từ nhiều năm qua, nhưng đến tháng 7.2012 mới chính thức được đưa vào chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. “Khi đời sống nhân dân được nâng cao thì TTXH PTTT là cách để đánh vào ý thức của người dân, để họ chủ động sử dụng biện pháp phù hợp”, ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết.
Trả tiền dịch vụ
Từ 14.8 đến 16.8, Trạm y tế thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát tổ chức chiến dịch cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đợt 2. Trong số phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ đến trạm, nhiều người đã được tư vấn sử dụng PTTT trả tiền. Chị Lê Thị M. cho biết: “Trước đây, tui quen dùng thuốc cấp miễn phí. Giờ các chị bên DS-KHHGĐ vận động mua, nên cũng không còn kiểu uống thuốc mà “nhớ nhớ, quên quên” nữa”. Còn chị Trần Thị L. mới lập gia đình chia sẻ: “Giá thuốc và bao cao su tránh thai đã được trợ giá nên “mềm” hơn nhiều so với giá thị trường”.
Bà Tô Thị Thu Nguyệt, Trưởng Trạm y tế thị trấn Ngô Mây, cho biết cụ thể: hiện bao cao su bán ra chỉ có 400 đồng/chiếc, trong khi thị trường có rất nhiều loại bao cao su giá 1.000-20.000 đồng/chiếc. Viên uống tránh thai giá chỉ 3.000 đồng/vỉ, trong khi các loại thuốc tránh thai trên thị trường có thể tới 60.000 đồng/vỉ. “Việc người dân bỏ tiền ra để được sử dụng PTTT giúp họ thấy giá trị của sản phẩm. Trước đây, thuốc cấp miễn phí nên họ dễ quên, sau đó bỏ vỉ thuốc rất uổng”, bà Nguyệt nói thêm.
Chị Đỗ Thị Thu Phương, chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ, cho biết hiện chỉ có các đối tượng diện hộ nghèo và cận nghèo được cấp miễn phí bao cao su và thuốc uống tránh thai, còn lại đều được tư vấn để lựa chọn và chi trả. Giá tiếp thị PTTT đã được Nhà nước hỗ trợ, nên không cao, được khách hàng ủng hộ. Chị Phương thống kê: “396 khách hàng sử dụng thuốc viên tránh thai được quản lý tại Trạm hầu hết là tự chi trả. Bình quân hằng tháng chúng tôi nhận khoảng 200 vỉ thuốc tránh thai và 200 hộp thuốc tránh thai”.
Từ năm 1993 đến nay, công tác TTXH PTTT đã góp phần đưa tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của Bình Định tăng 52,7% lên 84,6% (năm 2012); trong đó tỉ lệ biện pháp tránh thai hiện đại tăng 40,6% lên 79,2%. Đến nay, chỉ còn hộ nghèo mới được cấp miễn phí bao cao su và thuốc viên tránh thai. Ông Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: “Kết quả quan trọng nhất mà công tác TTXH PTTT ở Bình Định đạt được là tạo sự chuyển đổi ý thức và hành vi của người dân. Từ chỗ quen với cung cấp miễn phí, bao cấp hoàn toàn, người dân bắt đầu chấp nhận tự mua PTTT”.
Còn nhiều khó khăn
Dù đội ngũ cán bộ tham gia công tác TTXH PTTT đã có nhiều cố gắng trong triển khai, nhưng công tác này còn gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả, từ tháng 7.2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ cung cấp đến đối tượng 13.600 vỉ thuốc tránh thai, 82.000 chiếc bao cao su. Năm 2012, lượng thuốc tránh thai còn tồn là 12.600 vỉ và 32.500 bao cao su năm 2012; từ đầu năm 2013 đến nay là 14.600 vỉ thuốc tránh thai và 23.000 bao cao su.
Nguyên nhân là hoạt động TTXH PTTT tuy đã được triển khai nhưng công tác truyền thông, tiếp thị còn hạn chế nên chưa đến được với nhiều người dân. Mạng lưới hoạt động chính vẫn là cộng tác viên DS các thôn, khu phố. Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phù Cát Lê Thị Phương, cho biết: “Phần lớn đối tượng đã quen với việc sử dụng PTTT được cấp miễn phí 100% nên việc vận động, thay đổi hành vi của người dân cần thêm thời gian”.
Một vướng mắc khác được các địa phương đưa ra là cách tổ chức thực hiện TTXH trong nước không ổn định nên kết quả còn thấp so với yêu cầu. Điều đáng tiếc là một số sản phẩm TTXH (như bao cao su HELLO, YES) khi bước đầu tạo được sự chấp nhận của người dân thì sau đó vắng bóng trên thị trường một thời gian khá dài.
Không thể phủ nhận việc TTXH đã từng bước đưa các PTTT đến gần hơn với người dân mà không phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ, tài trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh hai loại PTTT là viên uống tránh thai liều thấp kết hợp nhãn hiệu NightHappy và bao cao su nhãn hiệu NightHappy, Bình Định đã đề nghị Trung tâm Tư vấn và cung ứng dịch vụ (Tổng cục DS-KHHGĐ) triển khai thí điểm TTXH một số PTTT lâm sàng, như thuốc tiêm tránh thai, vòng tránh thai… nhằm đa dạng hóa loại hình, tăng cường tính sẵn có, khả năng tiếp cận, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngày càng cao.
Để đảm bảo tính bền vững của chương trình, thực hiện xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ cần thiết phải đẩy mạnh TTXH PTTT. “Ngành Y tế đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, quan trọng là tuyên truyền, vận động, quảng bá, chú trọng tư vấn và truyền thông trực tiếp TTXH PTTT tại cộng đồng”, ông Quang nhấn mạnh.
NGỌC TRÂM