Phát triển kinh tế tập thể theo phương thức mới:
Hợp tác xã phát huy vai trò tự chủ, ăn nên làm ra
Ðó là nhận định của ông Ngô Thanh Lý, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (LMHTX) tỉnh về tình hình hoạt động của các HTX, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh sau khi thực hiện Luật HTX năm 2012.
* Bình Định được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác chuyển đổi hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
- Sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, LMHTX đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức phổ biến Nghị định 193/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật HTX năm 2012 cho lãnh đạo các phòng, ban của các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo các HTX. LMHTX cũng đã tổ chức các hội nghị phổ biến, tư vấn, hướng dẫn các HTX chuẩn bị các thủ tục cần thiết để thực hiện chuyển đổi theo Luật mới. Đến nay, việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 tại tỉnh ta đạt kết quả tốt.
Toàn tỉnh hiện có 201/203 HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật mới, với tổng nguồn vốn hoạt động khoảng trên 2.781 tỉ đồng. Trong đó, có 151 HTXNN, 27 QTDND, 14 HTX GTVT, 11 HTX tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, với gần 333,2 ngàn thành viên, tăng trên 1.200 thành viên so với cùng kỳ năm trước. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 giúp các HTX rà soát lại toàn bộ số thành viên HTX, xác định vốn góp của từng thành viên; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD) phù hợp với tình hình mới; xác định rõ hơn trách nhiệm của các thành viên đối với HTX và trách nhiệm của Hội đồng quản trị HTX, tạo nên sự gắn kết giữa HTX và các thành viên, qua đó giúp HTX ổn định, phát triển SXKD.
Dịch vụ cung ứng xăng dầu của HTXNN Phước Hưng (Tuy Phước) đã mang lại nguồn thu khá lớn cho HTX.
* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động phát triển kinh tế tập thể ở tỉnh ta kể từ khi chuyển đổi hoạt động theo luật?
- Nhìn chung các HTX, QTDND đã phát huy vai trò tự chủ, độc lập trong hoạt động SXKD, nhiều đơn vị đã tổ chức các loại hình dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó QTDND hoạt động đồng đều và hiệu quả nhất. Các QTDND đã huy động tốt nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để hỗ trợ các thành viên đầu tư SXKD, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Tiêu biểu có QTDND Nhơn Lộc (TX An Nhơn); QTDND Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) và QTDND Bình Nghi (huyện Tây Sơn)... Hiện tổng nguồn vốn hoạt động của 27 QTDND trong tỉnh trên 1.348 tỉ đồng, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 64,8 tỉ đồng, lợi nhuận 4,6 tỉ đồng.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, nhiều HTXNN cũng đã nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ; đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp (DN) để sản xuất, cung ứng lúa giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản cho thành viên; đồng thời phát triển SXKD ở các lĩnh vực chế biến nông sản, kinh doanh thương mại, thu hút được vốn đầu tư từ nhiều nguồn, có thị trường ổn định, giải quyết được nhiều việc làm và kinh doanh hiệu quả. Điển hình như HTXNN Phước Hưng (Tuy Phước), HTXNN Nhơn Thọ 2 (TX An Nhơn), HTXNN Ân Tín 2 (Hoài Ân), HTXNN Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), HTXNN 1 Phước Sơn (Tuy Phước). 6 tháng đầu năm 2017, các HTXNN đạt tổng doanh thu khoảng 239,6 tỉ đồng, lợi nhuận gần 6 tỉ đồng.
Trên lĩnh vực GTVT, trong tình hình dịch vụ vận tải cạnh tranh gay gắt, các HTX đã năng động thực hiện mô hình dịch vụ hỗ trợ và mô hình vừa sản xuất tập trung, đồng thời mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tăng doanh thu cho HTX. Tiêu biểu như HTX vận tải Bình Minh (TP Quy Nhơn), HTX vận tải Phù Cát (Phù Cát). Doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 của các HTX vận tải đạt 137,8 tỉ đồng.
Trong số 11 HTX tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hiện có, nhiều HTX đã đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải tiến mẫu mã, ổn định chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Điển hình như HTX Đá Bình Đê (Hoài Nhơn), HTX Gạch ngói Phú Phong (Tây Sơn)…
Có thể nói, sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX đã ăn nên làm ra, đời sống của thành viên ngày càng được cải thiện. Tuy vậy, khách quan nhìn nhận thì kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh ta cũng còn một số hạn chế. Điều dễ nhận thấy là quy mô hoạt động của các HTX còn nhỏ, năng lực quản lý còn yếu, thiếu vốn đầu tư; cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp, trong khi đó thành viên nợ HTX nhiều nhưng không thu hồi được, nên hoạt động SXKD gặp khó khăn.
Mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển các thành phần, nhưng nhiều HTX vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển SXKD. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến KTTT nên thiếu sự hỗ trợ. Việc thực hiện các chủ trương, các chính sách phát triển KTTT cũng còn chậm hoặc chưa đồng bộ…
* LMHTX tỉnh sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm hỗ trợ các HTX hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy KTTT tiếp tục phát triển, thưa ông?
- LMHTX tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai Chỉ thị số 17/2015 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật HTX và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Tư vấn, hướng dẫn các HTX hoàn thành các thủ tục thành lập mới, hợp nhất, sát nhập và giải thể HTX theo chủ trương của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của các HTX, đảm bảo lợi ích chính đáng cho HTX.
Bên cạnh sự hỗ trợ của LMHTX tỉnh, các HTX cũng cần củng cố và phát triển các loại hình kinh tế phù hợp với các lĩnh vực, các ngành và từng địa phương; đa dạng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, chú trọng cả về số lượng và chất lượng hoạt động; từng bước đầu tư đổi mới về quy mô và cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương thức quản lý để đạt hiệu quả cao trong các hoạt động SXKD, dịch vụ sản xuất và đời sống. Các HTX cũng cần phải khơi dậy các nguồn lực từ nội bộ và vay vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại để đầu tư, mở rộng sản xuất, gắn thu nhập với năng suất và hiệu quả lao động, giải quyết hài hòa lợi ích giữa HTX và thành viên.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)