Bước ngoặt trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền
Bộ Thông tin - Truyền thông đã khẳng định, có thể dễ dàng xử lý vi phạm bản quyền nếu các đơn vị xuất bản có bằng chứng. Các trang vi phạm sẽ bị xóa bỏ, thậm chí hủy luôn số lượng truy cập để đẩy các trang này khỏi vị trí được chú ý.
Được xem là căn bệnh trầm kha của nền xuất bản Việt Nam suốt hàng chục năm qua, bất chấp nhiều thay đổi từ pháp luật đến các công cụ kỹ thuật, sách vi phạm bản quyền vẫn nhởn nhơ tồn tại, thậm chí còn phát triển ở một số địa phương. Thế nhưng, vừa qua một sự kiện đã làm thay đổi quan điểm cho rằng vi phạm bản quyền không có thuốc chữa…
Khó nhận biết sách nào có bản quyền, sách nào không trên các kho sách online.
Sức mạnh của sự đoàn kết
Sự kiện này bắt đầu bằng lời tố cáo của bà Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibook, đồng thời là đại diện của CLB Sách Sài Gòn, nơi tập hợp một số nhà làm sách ở TPHCM.
Theo đó, Công ty truyền thông trực tuyến Yeah1 Network đã có hành vi vi phạm bản quyền sách của các đơn vị sách thuộc CLB Sách Sài Gòn. Mở đầu mọi việc cũng giống những lần tố cáo vi phạm bản quyền trước đây, đơn vị bị tố cáo phủ nhận, sau đó là im lặng đánh trống lảng.
Đáng lẽ mọi việc sẽ giống như những lần trước, sau một thời gian đâu lại vào đấy, người vi phạm vẫn vi phạm, người kêu cứu vẫn kêu cứu. Thế nhưng, lần này lại có sự khác biệt.
Đầu tiên là văn phòng đại diện phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam thay vì chỉ ghi nhận và chuyển cơ quan chức năng đã chủ động kêu gọi các đơn vị xuất bản cùng chung tay tố giác các vi phạm bản quyền trên mạng. Lập tức, hàng loạt các đơn vị, từ các NXB như Trẻ, Phụ Nữ đến các đơn vị làm sách như Phương Nam, Nhã Nam, Trí Việt, Alphabook… đã liên tục cung cấp nhiều bằng chứng vi phạm. Trước những bằng chứng cụ thể và sức ép từ dư luận, đại diện Yeah1 Network lập tức phản hồi, nhận sai sót và chấm dứt các hành vi vi phạm.
Không chỉ có Yeah1 Network, nhân vụ việc này, các đơn vị xuất bản đã liệt kê hàng trăm trang web có người đại diện tại Việt Nam đang vi phạm bản quyền sách dưới nhiều hình thức.
Có nơi đăng sách vi phạm bản quyền để thu hút bạn đọc vào xem, có nơi kinh doanh sách vi phạm bản quyền, thậm chí còn có nơi sẵn sàng in sách điện tử sang sách giấy để bán.
Theo ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Công ty Sách điện tử Trẻ (Ybook), tình trạng vi phạm này đã diễn ra từ rất lâu, đơn vị cũng đã nhiều lần lên tiếng mà không có tác dụng. Lần này, chính nhờ sự chung tay của các đơn vị mới mang lại hiệu quả.
Hướng đi tích cực
Nếu như cách đây hơn 10 năm, khi Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Berne, nỗ lực chống vi phạm bản quyền còn mạnh mẽ thì theo thời gian, nhiệt huyết của các đơn vị làm sách chân chính đã ngày càng suy giảm trước những thực tế không khả thi.
Với sách giấy, có thể xem thất bại trong vụ kiện của Trí Việt (First News) với cơ sở in Huy Thi là điểm kết thúc của một quá trình đấu tranh chống sách lậu, sách vi phạm bản quyền.
Ở mảng trực tuyến, thậm chí cuộc chiến còn không diễn ra, vì tình trạng vi phạm bản quyền là công khai, trắng trợn.
Phụ trách bản quyền của một NXB lớn đã kể lại việc đi mua bản quyền của một đối tác nước ngoài nhưng không thành công, bởi họ phát hiện sách của họ đang được dịch và phát hành trên mạng Việt Nam. Đối tác cho biết, nếu không giải quyết, họ sẽ không bán bản quyền!
Tình hình còn trở nên xấu hơn khi thời gian qua việc vi phạm bản quyền không chỉ có trên mạng. Do tiến bộ kỹ thuật, việc trao đổi sách điện tử (ebook) rất dễ dàng, vấn đề in ấn cũng không còn là trở ngại lớn nhất, nhiều cá nhân đã và đang tổ chức in sách giấy từ các bản ebook vi phạm bản quyền.
Các bản in này không cần giấy phép xuất bản, không quan tâm nội dung, không chú trọng chất lượng… Không chỉ in lậu các đầu sách đã được xuất bản chính thức trong nước, các trang trực tuyến này còn in cả các loại sách không được xuất bản, từ sách ngôn tình đến sách chính trị, phản động…
Vừa qua tại TPHCM, văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam đã cùng các đơn vị xuất bản, đại diện các cơ quan chức năng ngồi lại để đánh giá ý nghĩa tích cực của sự kiện nói trên.
Từ thành công ban đầu, các đơn vị đều cam đoan sẽ sát cánh cùng nhau trong cuộc chiến chống tình trạng vi phạm bản quyền. Các đơn vị chức năng khẳng định, sẽ nhắc nhở, xử lý ngay khi nhận được thông tin.
Trước đây, việc chuyển thông tin vi phạm bản quyền đến đơn vị chức năng thường nhỏ lẻ, phải trông chờ tổng hợp các vi phạm. Nay, với việc chủ động thông tin từ các đơn vị xuất bản đã được tổng hợp sẵn, việc xử lý sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.
Không những thế, do hoạt động chủ yếu dựa trên các kênh truyền thông số quốc tế (vốn rất nghiêm túc về vấn đề bản quyền) nên việc chủ động tố cáo vi phạm bản quyền sẽ có hiệu quả lớn.
Theo đại diện một công ty luật chuyên về bản quyền, với các trang lớn như Facebook hay YouTube, chỉ cần chứng minh được hành vi vi phạm chắc chắn vi phạm sẽ bị gỡ bỏ ngay.
Còn với các trang trong nước, đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đã khẳng định, có thể dễ dàng xử lý vi phạm bản quyền nếu các đơn vị xuất bản có bằng chứng.
Trong trường hợp đó, các trang vi phạm sẽ bị xóa bỏ, thậm chí hủy luôn số lượng truy cập để đẩy các trang này khỏi vị trí được chú ý. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý theo luật pháp, việc xử lý cũng sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.
Theo TƯỜNG VY (SGGP)