Xuất khẩu hàng nông sản: Cần khơi thông thị trường mới
Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh tại hội nghị thường kỳ UBND tỉnh cuối tháng 7.2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản từ đầu năm đến nay ước thực hiện 43,49 triệu USD, giảm 27,3% so cùng kỳ năm 2016. Một trong số các nguyên nhân quan trọng là các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh vẫn tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu hàng nông sản qua cảng Thị Nại.
Theo phân tích của Sở Công Thương, giai đoạn 2011-2015, nhóm hàng nông sản của tỉnh xuất khẩu đạt 560,9 triệu USD, chiếm 18,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,7%. Đây là giai đoạn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (gạo, mì và các sản phẩm từ mì) của nhóm hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh. Đến năm 2016, nhóm hàng này gặp khó, xuất khẩu giảm 11,9% so với năm 2015.
Gần 64% hàng nông sản xuất sang Trung Quốc
Giám đốc Sở Công Thương Man Ngọc Lý cho hay, 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong tỉnh đạt 29,2% kế hoạch năm, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (39,4%). Sang tháng 7, giá trị xuất khẩu chung của các mặt nông sản tuy có nhích lên, song vẫn chưa đủ vực dậy lĩnh vực này. Trong đó, mì lát giảm trên 46% giá trị, tinh bột mì giảm gần 19%...
Nguyên nhân chính là mặt hàng mì lát giảm sâu về khối lượng xuất khẩu (giảm 124,8 ngàn tấn) do nhiều nhà máy chế biến ở Trung Quốc không có nhu cầu nhập sản phẩm. Sản phẩm nông nghiệp của Bình Định hiện đang xuất sang 8 thị trường (giảm 2 thị trường so cùng kỳ), trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm đến 63,7% thị phần.
Đại diện một DN hoạt động xuất khẩu cho biết, các DN Bình Định chỉ chú trọng đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm; đồng thời, chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc mà chưa có kế hoạch mở rộng sang các thị trường khác. Đây là tồn tại nếu không sớm khắc phục sẽ dẫn đến hoạt động kinh doanh rơi vào bế tắc, phá sản.
Trong khi đó, đối với mặt hàng gạo, giá sản phẩm đã có tín hiệu tăng và hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 trở lại đây, nhưng nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam, nhất là khu vực Đông Nam Á, dần thay đổi cơ chế điều hành từ các hợp đồng tập trung liên chính phủ chuyển dần giao cho DN tư nhân, hoặc tự do hóa hoàn toàn thương mại. Từ tháng 4.2017, Trung Quốc ban hành chính sách điều hành nhập khẩu đối với mặt hàng gạo, nếp, bằng cách tăng các loại thuế, phí đã tác động đến giá gạo, nếp của DN Việt Nam nói chung, trong đó có Bình Định.
Khơi thông thị trường mới
Giới kinh doanh nhận định, nhiều cơ hội đang đặt ra cho thị trường xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh, nhưng không dễ đạt mục tiêu 113,6 triệu USD trong năm nay. Ông Man Ngọc Lý cho rằng, để tránh sự chi phối của thị trường Trung Quốc, các DN trong tỉnh cần đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển, khơi thông thị trường mới.
Nhìn nhận trên khía cạnh chính sách, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do đã đem lại nhiều cơ hội lớn cho DN trong việc tham gia vào thị trường các nước thành viên. Trong nước, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được thông qua cũng hứa hẹn tạo sự đột phá, quyết liệt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho các DN.
Tuy nhiên, với sự cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt từ các nước Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, cộng thêm việc các thị trường chiếm thị phần lớn hàng nông sản cũng đang siết chặt các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... đòi hỏi các DN Bình Định cần thay đổi tư duy kinh doanh, tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa thay vì chạy theo sản lượng. Thêm vào đó, các DN cần tập trung nguồn lực để hình thành các chuỗi sản xuất làm tăng thêm giá trị, coi trọng việc xây dựng thương hiệu, tạo uy tín với khách hàng. Điều này không mới, nhưng lại là khó khăn kéo dài từ nhiều năm qua.
Để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu trực tiếp đến thị trường nước ngoài, các DN cần quan tâm tham gia sàn giao dịch vietnamexport.com để thu thập các thông tin tổng quan về thị trường, chế độ quản lý nhập khẩu... Nghiên cứu đầu tư mạnh, có trọng điểm vào các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài; theo dõi sát thị trường Trung Quốc để chủ động trước các biến động khó lường; duy trì quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống vẫn còn dư địa như Philippines, Bangladesh. Đặc biệt, khơi thông phát triển thị trường mới, có tiềm năng tại châu Phi, châu Âu, tìm hiểu và thâm nhập vào thị trường Trung Đông và Mỹ Latinh.
Vấn đề các DN đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước là sự hỗ trợ thường xuyên thông tin cơ hội giao thương, thị trường, lộ trình cắt giảm thuế... Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ. Khuyến khích nông dân, DN sản xuất nông sản sạch, chủ động nguồn giống tốt; khai thác thêm thị trường mới, nắm bắt thông tin thị trường tiêu thụ, xu thế của người tiêu dùng để định hướng và quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, tránh tình trạng phát triển tự phát, tạo dư thừa...
HIỀN HỒNG