TÌM HIỂU CHÍNH SÁCH THUẾ
Hỏi: Do đặc thù sản xuất kinh doanh tôm giống nên đơn vị sử dụng đồng thời hai hình thức hóa đơn tự in và hóa đơn đặt in cho hai nghiệp vụ kinh tế khác nhau (hóa đơn đặt in được lập khi bán hàng hóa, còn hóa đơn tự in được lập khi điều chỉnh giảm trừ doanh thu). Vậy có đúng quy định của nguyên tắc tạo hóa đơn không?
Trả lời: Căn cứ khoản 2, Điều 5 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31.3.2014 của Bộ Tài chính (Thông tư 39) quy định nguyên tắc tạo hóa đơn: Tổ chức có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau (hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử) theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và Thông tư này.
Căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 16 Thông tư 39 quy định nguyên tắc lập hóa đơn: Trường hợp tổ chức kinh doanh có nhiều đơn vị trực thuộc trực tiếp bán hàng, hoặc nhiều cơ sở nhận ủy nhiệm cùng sử dụng hình thức hóa đơn đặt in có cùng ký hiệu theo phương thức phân chia cho từng cơ sở trong toàn hệ thống thì tổ chức kinh doanh phải có sổ theo dõi phân bổ số lượng hóa đơn cho từng đơn vị trực thuộc, từng cơ sở nhận ủy nhiệm. Các đơn vị trực thuộc, cơ sở nhận ủy nhiệm phải sử dụng hóa đơn theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn trong phạm vi số hóa đơn được phân chia.
Việc doanh nghiệp với đặc thù đã trình bày ở trên là đảm bảo đúng quy định của nguyên tắc tạo hóa đơn. Việc quản lý và ủy nhiệm cho từng bộ phận để sử dụng, đơn vị phải tuân thủ theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 16 Thông tư 39 của Bộ Tài chính.
CỤC THUẾ TỈNH